Quyết tâm thực hiện dồn điền đổi thửa

Quyết tâm thực hiện dồn điền đổi thửa
- Phúc Thọ là huyện nông nghiệp với 64% diện tích đất canh tác trên tổng diện tích đất tự nhiên. Theo kế hoạch, đến hết năm 2012, TP Hà Nội sẽ hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) tại 100% các xã, làm tiền đề quy hoạch lại sản xuất, xây dựng nông thôn mới (NTM), đây là một thách thức không nhỏ.
 
Ruộng đất manh mún gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả canh tác ở Phúc Thọ.
Theo ông Đặng Ngọc Hiên, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, từ các năm 1998 - 2007, huyện đã triển khai công tác DĐĐT. 4 xã Thượng Cốc, Vân Hà, Vân Phúc và Cẩm Đình hoàn thành DĐĐT trên quy mô toàn xã với tổng diện tích đạt 500ha. Tại xã Thượng Cốc, từ năm 2007, đã dồn đổi còn 1.845 thửa, thửa nhỏ nhất có diện tích 980m2, thửa lớn nhất 6.500m2. Sau 5 năm triển khai công tác DĐĐT, đến nay sản xuất nông nghiệp ở xã Thượng Cốc đã có những thay đổi rõ nét. Giống mới, KHKT và cơ giới hóa được đưa vào sản xuất giúp giảm chi phí và ngày công lao động. Nhiều hộ đã đầu tư chuyển đổi từ trồng lúa sang các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện giá trị sản xuất tại các vùng chuyển đổi cao gấp 2 - 3 lần, năng suất cây trồng tăng 20 - 30% so với trước đây.

Mặc dù lợi ích từ DĐĐT đã rõ, nhưng ngoài các xã triển khai trong các năm 1998 và 2007, đến nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn chưa có thêm xã nào triển khai tiếp. Ông Hiên cho biết, toàn huyện hiện có 6.000ha đất sản xuất nông nghiệp, đến nay, mới DĐĐT được 500ha, chiếm 10% diện tích. Tại Võng Xuyên, xã điểm NTM của huyện, công tác DĐĐT vẫn trong giai đoạn chuẩn bị. Việc phát triển nông nghiệp hàng hóa gặp khó khăn do ruộng đất của người dân còn manh mún, phân tán.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Đình Thức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, do đặc thù đồng đất của huyện có cả đồi gò và vùng bãi phân tán. Đơn cử, tại xã Tích Giang và Trạch Mỹ Lộc, địa hình đồng ruộng bậc thang, khó dồn đổi, trong khi đó, hệ thống giao thông, thủy lợi chưa hoàn chỉnh gây tâm lý lo ngại trong nhân dân; tập quán canh tác nhỏ lẻ, ngại xáo trộn, chỉ thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà chưa "nhìn xa trông rộng". Mặt khác, chính quyền ở một số xã cũng chưa nhận thức đầy đủ và thiếu quyết tâm, dồn sức cho công tác này, còn tư tưởng ngại khó, ngại va chạm… 

Để hoàn thành kế hoạch DĐĐT mà UBND TP giao trong năm 2012, ông Thức cho biết, huyện Phúc Thọ quyết tâm xốc lại phong trào này, làm đòn bẩy cho xây dựng NTM. Trước mắt, Huyện ủy sẽ ra Nghị quyết chuyên đề về DĐĐT. Sau khi DĐĐT huyện sẽ xây dựng các vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất lúa, vùng cấy lúa đặc sản, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng chuyển đổi và vùng nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi… Đồng thời, dồn quỹ đất công để tạo quỹ đất phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi. 
Yến Ngọc
Nguồn:ktdt.com.vn