Rác thải “cản đường” nông thôn mới

Rác thải “cản đường” nông thôn mới
Dù đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM), nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải... khiến nhiều hộ gia đình tại một số xã ngoại ô TP.HCM phải “sống chung với rác”.

Chuyện thu gom, xử lý rác thải ở các khu dân cư cũng nhiêu khê, các nhóm tư nhân “cạnh tranh” lẫn nhau dẫn tới tình trạng có nơi tới 10 ngày không ai gom rác…

Kênh, rạch… “tắc thở” vì rác

 

 

Huyện Bình Chánh có rất nhiều vựa phế liệu. Huyện đang có kế hoạch kiểm tra lại quy trình cấp phép, kho bãi, phòng cháy chữa cháy và đảm bảo vệ sinh môi trường không để ảnh hưởng đến khu dân cư. Ảnh: N.V

Sở TNMT TP.HCM cũng lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các kênh rạch do người dân xả thải thẳng xuống dòng nước. Thêm vào đó, các cơ sở thu mua phế liệu phần lớn hoạt động không phép và gây ô nhiễm xung quanh. 

 

 

Cuối tháng 2 vừa qua, gần 1.000 đoàn viên, thanh niên TP.HCM và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố đã ra quân khơi thông, cải thiện môi trường và làm sạch đoạn rạch Cầu Suối, từ chân cầu Gò Đình đến cuối rạch tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh).

Sức trẻ, người đông, nhưng việc cải thiện con rạch cũng khiến mọi người đẫm mồ hôi. Nguyên nhân: Rạch Cầu Suối từ lâu bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải từ khu công nghiệp Vĩnh Lộc và các cơ sở thu mua phế liệu, cơ sở sản xuất dọc tuyến rạch. Ở đây, rác thải tràn ngập khắp nơi, con rạch gần như “tắc thở” vì rác.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Bí thư huyện Bình Chánh cho biết, rác thải và ô nhiễm môi trường từ lâu đã là vấn đề nan giải của huyện, đặc biệt là trong quá trình xây dựng NTM. Theo khảo sát của Trường Đại học Nông Lâm, hồi năm 2016, toàn huyện Bình Chánh còn 35 tuyến sông, kênh, rạch đang trong tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ mức nhiễm nặng đến mức nhiễm bẩn.

Nguyên nhân gây ô nhiễm sông, kênh, rạch chủ yếu từ các nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư chưa qua xử lý tập trung, không đảm bảo chất lượng trước khi xả thải; các cơ sở sản xuất lén lút xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý trực tiếp xuống lòng kênh, rạch… Không chỉ vậy, có đến 40,6% hộ dân đấu nối xả thải vào hệ thống thoát nước công cộng, xả thải vào hệ thống thoát nước chung hoặc đổ ra sông, kênh, rạch… làm ô nhiễm môi trường.

Rắc rối việc thu gom

Không chỉ ô nhiễm môi trường vì rác thải, chuyện rác và thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư cũng đang rất “lộn xộn”, người dân phải trả phí cao nhưng việc thu gom rác lại “bữa được, bữa mất”. Tại cuộc họp sơ kết hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 tổ chức mới đây, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Trương Văn Thống cho biết, việc thu gom rác ở các hộ đều có đường dây dân lập thực hiện. Tuy nhiên, khi người dân phàn nàn về việc chậm trễ hay thu gom nhếch nhác liền bị... đe dọa.

“Trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, người dân Củ Chi khổ sở vì đơn vị này ngừng thu gom rác. Khi chính quyền địa phương vận động các đoàn thể tham gia giải quyết thì bị nhiều người trong các đường dây này đón đường làm khó dễ, hăm dọa, thách thức cả chính quyền địa phương” - ông Thống bức xúc.

Theo ông Phụng, việc thu gom rác ở Bình Chánh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hiện tại, toàn TP.HCM chỉ còn 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (thuộc huyện Bình Chánh) chưa hoàn thành các tiêu chí NTM mà nguyên nhân cũng vì vấn đề môi trường.

Theo đó, riêng 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có đến 160 vựa thu gom ve chai nên việc đảm bảo môi trường không dễ dàng. Vấn đề môi trường trở thành tiêu chí yếu nhất khi xem xét công nhận xã NTM. Ông Phụng cho biết thêm, hiện tại, chính quyền xã và Hội Phụ nữ phải trực tiếp đứng ra tổ chức việc thu gom rác nên cũng đang dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, một số hộ dân phản ánh rằng họ phải trả mức phí thu gom rác không cố định. 

Ông Võ Trường Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh): 

Xã muốn xử lý cũng khó!

Trên thực tế, nhiệm vụ của cấp xã là kiểm tra, phát hiện, báo cáo lên cấp huyện (Phòng Tài nguyên-Môi trường, UBND huyện) các cơ sở vi phạm về môi trường. Vì xã chỉ có chức năng xử phạt vi phạm hành chính, ngay cả việc kiểm tra cũng phải thông báo trước… nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý, giám sát, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.
Tại Vĩnh Lộc B, nhiều nơi nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn, lại thêm các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xả thải rất nhiều nước ô nhiễm trong quá trình sản xuất nên ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. 
Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh cũng cho thấy nước có nhiễm hóa lý (pH, sắt…) và vi sinh (Coliform, E.Coli), chỉ 11,2% mẫu nước sạch. Do đó, môi trường là vấn đề cấp bách cần giải quyết!

Ông Nguyễn Văn Phụng – Bí thư Huyện ủy Bình Chánh: 

Nâng cao chất lượng thu gom, xử lý rác

Bình Chánh đang triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Bình Chánh giai đoạn 2016 – 2020.
Về tình hình quản lý thu gom rác thải sinh hoạt, tới nay, tỷ lệ đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện đã đạt 98,85%, tăng 0,7% so với thời điểm lập đề án. UBND huyện đã hoàn tất việc trang bị 2.037 thùng rác cho 16 xã, thị trấn, UBND các xã, thị trấn cũng đã triển khai lắp đặt trên 149 tuyến đường, góp phần kéo giảm tình trạng xã rác bừa bãi nơi công cộng.

Khải Huyền (ghi)


Theo Thuận Hải/ Dân Việt