Rau VietGAP - Làm sao tiêu thụ hết?

Việc sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP đòi hỏi người trồng làm đúng theo quy trình sản xuất với trên 20 tiêu chí, phải qua công đoạn sơ chế trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường nên giá bán cao hơn so với rau trồng bình thường. Do vậy, đầu ra của rau VietGAP còn hạn chế. Làm sao để tiêu thụ hết lượng rau thu hoạch mỗi ngày là điều trăn trở của người trồng rau và ngành nông nghiệp TPHCM.
Trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An, huyện Bình Chánh. Ảnh: Diễm Thy

Đưa rau sạch ra chợ

Sau khi được chứng nhận rau trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, những người tham gia đều mừng nhưng liền sau đó là nỗi lo về việc tiêu thụ. Dù là rau VietGAP nhưng không có nghĩa là tất cả sản phẩm thu hoạch trong ngày đều được tiêu thụ hết. Những hợp đồng mua hàng ngày của các siêu thị, cửa hàng cao cấp, nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu chỉ tiêu thụ khoảng 20%-25% lượng rau thu hoạch hiện nay. Số dư còn lại, bà con nông dân, hợp tác xã hay tổ hợp tác… phải tự giải quyết bằng cách tìm mối bán ra ngoài với giá rau bình thường. Điều này là bất hợp lý với người bỏ nhiều công sức và chi phí để có được loại rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây chính là hạn chế mà người sản xuất rau an toàn trước đó từng gặp phải và là nguyên nhân làm cho việc mở rộng diện tích trồng rau an toàn chậm chạp. Để tìm đường tiêu thụ hết lượng rau thu hoạch, một số HTX ở TPHCM như HTX Nông nghiệp Thỏ Việt đã nhanh nhạy nghĩ đến việc đưa ra chợ đầu mối, kể cả chợ lẻ để bán... Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là giá sạp tại các chợ đầu mối như Bình Điền, Bình Tây… rất cao, khoảng 200-300 triệu đồng/sạp nên khó có HTX nông nghiệp nào kham nổi. Ngay cả HTX Phước An được hỗ trợ của thành phố, khi đã vào chợ đầu mối Bình Điền, cũng không thể trụ được do không kham nổi chi phí hàng tháng nên phải trả lại sạp.

Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TPHCM cho biết, trước đây, khi TP chưa có chủ trương di dời các chợ đầu mối ra quận ven, cách làm của chợ đầu mối rau quả Mai Xuân Thưởng (quận 6) hiệu quả, hợp lý và đáng để học tập. Ban quản lý chợ cho thuê những sạp trống theo giờ, bà con có nhu cầu thuê vào bán vài giờ, khi bán hết hàng trả tiền thuê sạp ngay trong ngày. TP cũng cần có chính sách hỗ trợ các HTX, nông dân đưa rau VietGAP ra chợ đầu mối và chợ lẻ để đông đảo người dân có điều kiện mua rau an toàn hơn, thay vì chỉ dừng lại ở các siêu thị, cửa hàng cao cấp… như hiện nay.

Từ sự thất bại của HTX Phước An thuê sạp bán chợ đầu mối Bình Điền, TP nên giao cho Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp hay Hội Nông dân đứng ra đấu thầu thuê vài sạp hoặc một dãy sạp trong chợ để tổ chức kinh doanh rau VietGAP.

Giảm giá thành

Một cản ngại khác là tâm lý của người tiêu dùng luôn nghĩ rằng, đã là rau phải rẻ nên khi giá rau VietGAP đắt hơn giá rau thường người tiêu dùng vẫn tìm mua rau giá rẻ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ rau tại các bếp ăn tập thể cho các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... rất lớn. Nếu giảm giá thành, những nơi này đều dùng rau an toàn chắc chắn các HTX không đủ hàng để cung cấp. Nhưng vì bài toán kinh doanh những nơi này thường chọn dùng rau giá rẻ hơn.

Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đức Tiến cho rằng, cần tìm cách giảm giá thành sản xuất rau VietGAP xuống hơn nữa để có thể tiêu thụ được nhiều hơn. Muốn vậy, phải giải quyết một loạt các biện pháp. Đầu tiên, bà con cần vào các HTX để mua phân bón, thuốc BVTV… với giá thấp hơn bên ngoài vì mua số lượng lớn bao giờ cũng thấp hơn so với mua lẻ. Vì vậy, việc hợp tác hóa cần được chú ý và xúc tiến nhanh hơn để góp phần làm giảm giá thành sản xuất.

Thứ hai là giảm lượng phân bón, thuốc BVTV nhưng vẫn giữ được năng suất thông qua việc sử dụng đúng liều lượng, thời điểm… Điều này, nhà khoa học và nhà sản xuất giúp người dân thông qua sản phẩm phải được sử dụng hết thay vì bốc hơi hoặc bị rửa trôi, đặc biệt là phân bón. Thực tế việc lãng phí khi sử dụng vật tư nông nghiệp như quá liều cần thiết vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nhà khoa học và khuyến nông cần có mô hình sản xuất, ứng dụng những thành tựu và công nghệ mới vào, khi thành công chuyển giao cho bà con sản xuất để tăng năng suất, tăng sản lượng, nhờ đó, giảm giá thành. Và việc đẩy nhanh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất cần được quan tâm hơn để giải quyết vấn đề khan hiếm lao động nông nghiệp ngày càng trầm trọng, khiến giá thuê mướn rất cao, yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của rau VietGAP.

Đăng Lãm

 

 
 

Không thể và có thể

Khi bà con nông dân ngoại thành TPHCM trồng rau theo mô hình thí điểm sản xuất tốt (VietGAP/GPPs) từ năm 2009 thuộc dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng sản phẩm do Canada tài trợ, nhiều người cho rằng đó là điều không thể. Vì tập quán sản xuất theo thói quen và kinh nghiệm đã hằn sâu vào tâm trí bà con bao đời nay. Do vậy, lúc triển khai dự án, TP đã chọn lựa rất kỹ nơi nào có thể tiên phong áp dụng và đảm bảo khả năng thành công.

Sau khi cân nhắc, Chi cục Bảo vệ thực vật TP quyết định chọn Hợp tác xã Nông nghiệp Phước An (Bình Chánh), nơi từng được Trung tâm Sao Việt (Công ty cổ phần BVTV An Giang) thực hiện dự án xây dựng vùng rau an toàn. Dù dự án thất bại nhưng nơi đây bà con nông dân đã có cái nền về việc sản xuất theo quy chuẩn an toàn. Địa điểm thứ 2 là Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung (huyện Củ Chi), nơi khởi phát trồng rau an toàn của thành phố hơn 10 năm về trước.

Thực tế cho thấy, không phải bà con nào đăng ký tham gia sản xuất theo VietGAP cũng thành công. Lượng hộ rơi rụng trong quá trình thực hiện dự án trong 3 năm qua đã nói lên điều đó. Nếu như năm đầu tiên HTX NN Phước An có 31 hộ và Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung có 31 hộ đăng ký thì sang năm 2010 con số này giảm xuống còn 21 và 22 hộ. Sau 3 năm, số hộ được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP quốc gia chỉ còn 13 hộ của HTX NN Phước An và 9 hộ của Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung. 

Vì vậy, khi 2 nơi này nhận giấy chứng nhận VietGAP cấp quốc gia, không chỉ xã viên hay tổ viên vui mừng mà những người trong ngành nông nghiệp của TP và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn còn phấn khởi hơn. Bởi vì những nỗ lực giúp bà con biến cái không thể thành cái có thể đã thành công. Kinh nghiệm 2 nơi này là cơ sở để hoàn thiện kỹ năng và nâng cao năng lực, làm tiền đề để phổ biến và nhân rộng mô hình VietGAP ra các các HTX khác hay các cơ sở, trang trại ở TP. Đó mới là điều quan trọng.

Trong khi đó, những thay đổi trong thói quen sản xuất đã giúp cho bà con có thể theo dõi được quá trình sản xuất, chi phí, ngày và số lần phun xịt thuốc để không bị nhầm lẫn, quản lý được chi phí đầu vào và so sánh được giá bán từng vụ, từng loại, từng năm… Đây là những cái được mà bà con tâm đắc. Những nỗ lực của bà con trong việc này cũng được bù đắp khá tốt, lượng khách hàng ký hợp đồng nhiều hơn, HTX NN Phước An từ 5 lên 13 khách hàng; sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của HTX đều tăng, tất nhiên trong đó có bà con tham gia.

Công Phiên

Theo SGGP