Rau quả, thế lực mới nông sản xuất khẩu, kim ngạch có thể đạt 2,3 - 2,5 tỉ USD

Rau quả, thế lực mới nông sản xuất khẩu, kim ngạch có thể đạt 2,3 - 2,5 tỉ USD
Với kim ngạch XK dự báo có thể đạt 2,3 - 2,5 tỉ USD, 2016 có thể nói là năm đánh dấu những bước ngoặt hết sức quan trọng của ngành rau quả khi kim ngạch XK vượt qua lúa gạo, trở thành thế lực mới trong số các nhóm ngành hàng nông sản XK của nước ta.


Tăng tốc!

Nối tiếp những thành công trong năm 2015, năm 2016, Bộ NN-PTNT tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường XK rau quả (BCĐ) với những hành động trọng tâm là đẩy mạnh tổ chức SX, phòng trừ dịch bệnh và nâng cao chất lượng cho các đối tượng rau quả XK chủ lực; đàm phán, mở cửa thêm các thị trường XK mới cũng như phối hợp với các Bộ ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại…

14-49-46_img_20161027_135012
KDTV nông sản XK tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)
 

Theo Cục BVTV, cơ quan thường trực của BCĐ, tới cuối năm 2016, hàng loạt các thị trường XK rau quả tiềm năng đã được mở toang. Ngoài các thị trường đã có trước đây như ASEAN, EU, Trung Đông, Đông Âu, Trung Quốc và Canada, đến hết năm 2016, các thị trường mới có giá trị XK cao, điều kiện nghiêm ngặt đã được mở cửa bao gồm Mỹ (đã cho phép NK thanh long ruột trắng, ruột đỏ; chôm chôm, nhãn và vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, xoài); Hàn Quốc (thanh long ruột đỏ, ruột trắng và xoài); Chi Lê (thanh long ruột trắng và đỏ); New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ); Úc (xoài và vải). Mới đây nhất, sau nhiều năm gián đoạn, Đài Loan cũng đã cho phép NK trở lại đối với thanh long ruột trắng từ Việt Nam.

Theo kế hoạch trong năm 2017 và những năm tới, Cục BVTV tiến hành đàm phán, mở cửa thêm đối với một số loại trái cây khác như: xoài và vú sữa vào Hoa Kỳ (hiện Hoa Kỳ đang lấy ý kiến góp ý); thanh long ruột đỏ, vải và nhãn vào Nhật Bản (dự kiến đầu năm 2017 phía Nhật sẽ chính thức cho phép NK thanh long ruột đỏ); vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm và chanh leo vào Hàn Quốc. Ngoài ra, một số thị trường khác cũng đang trong quá trình đàm phán như Chi Lê (cho vải, nhãn và bưởi); Úc (đối với thanh long, nhãn, chanh leo); New Zealand (chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa); Brazil, Argentina, Peru (với các loại quả chôm chôm, nhãn, vải, bưởi và thanh long)…

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, Phó trưởng ban thường trực BCĐ cho biết: Về tổng thể kết thúc năm 2016, các thị trường có các quy định về kiểm dịch thực vật (KDTV) nghiêm ngặt đều đã thâm nhập được, trong đó hầu hết các thị trường lớn đã mở cửa cho phép Việt Nam có thể XK từ 3 - 4 loại trái cây.

14-49-46_tl76
Thanh long là mặt hàng XK rất tốt trong năm 2016 với số lượng gần 1 triệu tấn
 

"Giảm cước phí vận tải cho mặt hàng rau quả, nhất là các vùng phục vụ XK sẽ là vấn đề cần phải được tháo gỡ trong năm 2017. Bởi cước phí vận tải hiện quá đắt, làm giảm khả năng cạnh tranh của rau quả Việt Nam khi XK. Đây đã là mặt hàng nông sản XK chủ lực, có tính thời vụ, áp lực rất cao, lại là mặt hàng tươi sống rất dễ hỏng, cần phải ưu tiên cho khâu vận chuyển càng nhanh càng tốt. Đây là vấn đề mà chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa nhận được đồng thuận của Bộ Tài chính cũng như Bộ GT-VT." - Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV.

Đánh giá về những động lực giúp XK rau quả tiếp tục có những bứt tốc trong năm 2016, ông Hoàng Trung cho rằng:

Ngoài vai trò của Bộ NN-PTNT trong định hướng, mở cửa thị trường, tổ chức SX, khống chế các đối tượng dịch hại nguy hiểm trên các cây ăn quả chủ lực, năm 2016 đã ghi nhận sự vào cuộc của các địa phương, Bộ ngành liên quan để giúp sức cho việc xây dựng SX và XK mặt hàng này.

Ở phía Bắc, việc lần đầu tiên đưa vào vận hành Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Bộ KH-CN) đã bước đầu tạo điều kiện, đặt nền móng cho XK các loại trái cây tại phía Bắc vốn còn rất hạn chế.

Các địa phương có các vùng nguyên liệu rau quả XK lớn đa số đã vào cuộc rất sôi nổi, quyết liệt trong việc xây dựng và giữ được các vùng SX, khoanh được các vùng SX theo hướng SX hàng hóa, đặc biệt ngành nông nghiệp các địa phương đã rất nỗ lực trong việc hướng dẫn nông dân thực hiện theo các quy trình trồng trọt; kiểm soát tương đối tốt vấn đề dư lượng thuốc BVTV trên rau quả XK.
 

Cần thêm hỗ trợ của các Bộ, ngành

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, Phó trưởng ban thường trực BCĐ Phát triển thị trường XK rau quả (Bộ NN-PTNT) cho rằng, rất cần thêm sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành khác trong việc đàm phán mở cửa thị trường, mở rộng thị phần của rau quả Việt Nam.

Thưa ông, thời gian qua, chúng ta đã đàm phán mở cửa khá nhiều thị trường để XK rau quả, nhưng sản lượng XK một số sản phẩm chưa nhiều, ví dụ như vải thiều ở phía Bắc XK năm 2016 sang các thị trường mới còn khá hạn chế?

Đúng là có tình trạng một số thị trường chúng ta đã đàm phán mở cửa, nhưng vẫn chưa XK được một lô nào. Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo sẽ phải nghiên cứu lựa chọn thị trường, chủng loại sản phẩm có tính cạnh tranh cao, có trọng tâm trọng điểm.

Để XK được thì mặt hàng đó phải có sự cạnh tranh, cả về sản lượng SX trong nước phải lớn, phải có tính đặc thù cao (ví dụ chỉ có Việt Nam mới trồng được), hoặc chất lượng phải tốt hơn, giá thành thấp hơn các đối thủ cạnh tranh… Để làm được điều này, ngoài Bộ NN-PTNT, sẽ phải cần thêm sự hỗ trợ của các Bộ ngành khác liên quan, nhất là Bộ Công Thương.

Năm 2016, Bộ Công Thương cũng đã có sự phối hợp với Bộ NN-PTNT, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp khá chặt chẽ với Cục BVTV trong việc tham gia đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, chỉ đạo tham tán thương mại ở các nước rất quyết liệt trong việc chủ động điều tra nắm bắt thị trường, xúc tiến thương mại…

Tuy nhiên để giúp các DN xuất khẩu có thể nắm bắt được kỹ hơn về nhu cầu, lợi thế, sản phẩm nào ở thị trường nào cần, đối thủ cạnh tranh của chúng ta ở đó là ai, những nhà NK nào có nhu cầu… thì vai trò của Bộ Công Thương, nhất là lực lượng tham tán thương mại của chúng ta ở các nước là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, cũng rất cần Bộ Công Thương có thêm những chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm bài bản ở các thị trường mà rau quả của chúng ta XK sang… Những thông tin thị trường này là hết sức quan trọng, bởi không chỉ thúc đẩy cho XK mà con là cơ sở để ngành nông nghiệp có những định hướng, quy hoạch, tổ chức SX.

14-49-46_donh45
Năm 2016, nhiều loại dịch bệnh trên cây ăn quả đã được khống chế, tạo điều kiện cho XK. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh kiểm tra vùng cây ăn quả tại ĐBSCL
 

Chúng tôi cũng đã đề xuất Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Ngoại giao cần đưa nội dung mở cửa thị trường nông sản của Việt Nam vào các cuộc hội đàm cấp cao trong thời gian tới…

Theo ông, đâu là những thị trường và sản phẩm chúng ta cần đặt trọng tâm trong thời gian tới?

Đối với các thị trường đã mở cửa thì những thị trường mới, khó tính và có giá trị cao như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… đều là thị trường đầy tiềm năng, vì vậy làm sao để mở rộng hơn nữa thị phần đối với các sản phẩm có lợi thế ở đây là điều cần phải tập trung trong những năm tới. Về sản phẩm, một số sản phẩm trái cây chủ lực của chúng ta đã XK sẽ vẫn là thế mạnh cần tập trung như thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, bưởi…, đặc biệt gần đây có thêm cây chanh leo. Đây đều là những cây trồng hiện đã có diện tích lớn, có tính đặc thù cao, chất lượng tốt, tổ chức SX lẫn giá thành cạnh tranh so với các nước. Một số loại rau gia vị chúng ta cũng đang duy trì XK rất tốt và cần quan tâm.

Về thị trường Trung Quốc, dư luận cho rằng cách XK như hiện nay chưa ổn, bởi hầu hết theo tiểu ngạch, thiếu bền vững?

Nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn là thị trường XK nông sản nói chung và mặt hàng rau, hoa quả nói riêng của chúng ta.

Hiện nay, chúng ta đã ký kết nghị định thư với Trung Quốc và cho phép XK sang Trung Quốc 10 loại mặt hàng nông sản, trong đó có tới 8 loại trái cây. 11 tháng đầu năm 2016, chúng ta đã XK sang Trung Quốc 1,4 triệu tấn rau quả các loại (trong khi chỉ NK 178 nghìn tấn). Tất cả đều phải là chính ngạch, có sự kiểm soát về mặt KDTV giữa hai bên hẳn hoi thì mới xuất được, chứ nếu là tiểu ngạch thì làm sao xuất được nhiều như thế?

Hiện tại, theo định hướng của Bộ NN-PTNT, chúng ta cũng đang lựa chọn thêm 5 loại trái cây nữa có tiềm năng, lợi thế như bưởi, na… để nộp hồ sơ chuyển phía Trung Quốc tiếp tục đàm phán ở cấp độ nghị định thư về KDTV nhằm sớm XK thêm các mặt hàng rau quả khác sang Trung Quốc. Trong tương lai, chúng ta tất yếu sẽ phải tiếp tục đầu tư ngay nguồn lực để thúc đẩy đàm phán, mở cửa XK chính ngạch thêm nhiều loại trái cây tươi khác như chanh, dừa, măng cụt, chanh dây…

Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Bền - Công Hoàng/nongnghiep.vn