Rõ hướng phát triển cây “tỷ đô”

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây mắc-ca; khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển loại cây này. Vấn đề trồng loại cây "tỷ đô” lại được hâm nóng.
Mắc-ca Macadamia phát triển tốt trên đất Tây Nguyên
Trong Chỉ thị của Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường các biện pháp quản lý về chất lượng giống; hướng dẫn người sản xuất hợp tác, liên kết với doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, bảo đảm phát triển cây mắc-ca theo hướng nhanh, bền vững.
 
Mắc-ca được coi là "hoàng hậu của các loại hạt”, nhân hạt mắc-ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Hiện mắc ca trồng nhiều ở Úc, Mỹ, Nam Phi, Kenya…, tổng diện tích khoảng 80.000 ha, sản lượng 140 nghìn tấn quả/năm. Tại Việt Nam, sau hơn 10 năm đưa vào trồng, diện tích vào khoảng 2.000ha, chủ yếu tại Tây Nguyên, Tây Bắc. 
 
Tới nay, Ngân hàng Liên Việt cùng với Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội được coi là những đơn vị tiên phong đầu tư mở rộng diện tích trồng mắc-ca. Riêng Liên Việt cam kết dành 20.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển mắc-ca trong 5-10 năm tới vì lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và xã hội. Về phía Nhà nước, Tổng cục Lâm nghiệp là đơn vị quản lý cây mắc-ca sẽ là đầu mối để phối hợp trong các vấn đề liên quan.
 
Để phát triển cây mắc-ca một cách bền vững, Bộ NNPTNT đã ủng hộ chủ trương thành lập Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, nhằm quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu chung cho mắc-ca Việt Nam.
 
Phát triển loại cây này là chủ trương đúng, tuy nhiên việc phát triển quy mô nào là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng. Việc chế biến, tìm đầu ra cho nó hết sức quan trọng nếu không muốn lặp lại tình cảnh đua nhau trồng rồi lại đua nhau chặt, trong khi thời gian chờ đợi thu hoạch khá dài: Khoảng trên dưới 10 năm.
 
Vì thế, đầu tháng 4, trong một báo cáo gửi Chính phủ, Bộ NNPTNT đã đề xuất đến năm 2020 chỉ trồng 10.000 ha mắc ca, không triển khai trồng cây mắc-ca trên quy mô lớn tại các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm. Khuyến cáo của Bộ NNPTNT đưa ra là để tránh rủi ro cho nông dân, bởi thực tế cho thấy quá nhiều nông phẩm bị ế khi người dân ồ ạt trồng theo phong trào, trong khi không kiểm soát được đầu ra. Với cây mắc-ca, giá trị kinh tế cao rất nên trồng, nhưng quy mô thế nào là vừa phải thì phải được tính toán kĩ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tại Tây Nguyên, có khoảng 1 triệu hecta đất phù hợp với cây mắc-ca, vì thế có thể nâng diện tích trồng lên khoảng 250.000ha. 
 
Theo giới chuyên gia nông học, tuy có nhiều ưu thế nhưng mắc-ca là cây trồng mới, một số khảo nghiệm lại cho kết quả khác nhau. Việc nhân giống, chăm sóc, công nghệ chế biến cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện, do đó việc cẩn trọng khi phát triển diện tích loại cây này là cần thiết. Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương trước mắt hướng dẫn nông dân trồng mắc-ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự. Với con số quy hoạch trồng 200.000 ha ở Tây Nguyên và 30.000 ha ở Tây Bắc, theo Bộ NNPTNT là chưa đủ căn cứ để phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020, tổng diện tích cây mắc-ca ở Việt Nam chỉ vào khoảng 10.000 ha, bao gồm cả trồng tập trung và trồng xen canh là hợp lý.
 
Phát triển loại cây này là chủ trương đúng, tuy nhiên việc phát triển quy mô nào là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng. Việc chế biến, tìm đầu ra cho nó hết sức quan trọng nếu không muốn lặp lại tình cảnh đua nhau trồng rồi lại đua nhau chặt, trong khi thời gian chờ đợi thu hoạch khá dài: khoảng trên dưới 10 năm.
 
Được biết, từ năm 2002, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trồng khảo nghiệm ở 16 địa phương trong cả nước, với tổng diện tích 35ha. Kết quả cho thấy mắc-ca có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt tại các điểm trồng khảo nghiệm, nhưng tỷ lệ đậu quả, sản lượng quả lại khác nhau: sản lượng hạt tươi cao nhất vào năm thứ 10 (17,5-21 kg/cây) tương đương 3,9-4,7 tấn/ha/năm, thấp nhất đạt 9,4-12,4 kg/cây, một số điểm cây không đậu quả.
 
Cũng cần nhắc lại, ngày 7-2, tại Lâm Đồng, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hội thảo nghiên cứu "Chiến lược phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên”. Tại đây, hầu hết ý kiến đều tán thành việc mở rộng diện tích trồng cây "tỷ đô”. Theo GS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, cây mắc-ca mang lại kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cây cà phê, tiêu, điều, chuối tiêu. Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển loại cây này. Tuy nhiên ông Huệ cũng lưu ý, trong quá trình triển khai cần phải tránh bẫy phát triển cây mắc-ca giá rẻ; đồng thời cần phải rút kinh nghiệm từ cây nông nghiệp khác để xây dựng chuỗi giá trị theo hướng bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như tránh được tình trạng được mùa mất giá.
 
Theo giáo sư Hoàng Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc-ca, thế giới đã phát triển cây mắc-ca trong 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha. Do đó, việc mở rộng diện tích ở ta là điều rất đáng quan tâm. Muốn thành công, thì cần sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp và trong quá trình phát triển cần phải thận trọng, đặc biệt  phải coi trọng năng suất, chất lượng, nhất là khâu chế biến…
 
Như vậy, tới thời điểm này định hướng phát triển cây "tỷ đô” là đã rõ ràng, chỉ còn đợi quy mô trồng là bao nhiêu.Thận trọng là cần thiết, nhưng cũng đã đến lúc đầu tư mạnh vào loại cây giá trị kinh tế rất cao này. Khi mắc-ca được triển khai rộng thì đó chính là một mẫu hình của việc liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân. Sự vào cuộc của doanh nghiệp (ngân hàng) là mạnh mẽ, người nông dân đã sẵn sàng bước vào sân chơi mới với hy vọng đổi đời. Sắp tới, đó là việc chuẩn bị khâu chế biến, và nhất là thị trường xuất khẩu để không thể lặp lại tình cảnh ế thừa.
 
ĐỖ NGỌC QUANG
theo 
daidoanket