SOM1: Đối thoại công tư về kết nối chuỗi cung ứng

Sáng nay, 24/2, Ủy ban thương mại và đầu tư (CTI) có cuộc đối thoại công tư về Kế hoạch khung về kết nối chuỗi cung ứng (SCFAP).
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn bên lề cuộc đối thoại, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, một trong những diễn giả của cuộc đối thoại này cho biết, 4 trở ngại trong chuỗi kết nối sẽ được bàn đến.

Ông sẽ đề cập đến những gì trong cuộc đối thoại này?

Kết nối rất quan trọng, vì tự do hóa thương mại và đầu tư đem lại cơ hội cho làm ăn kinh doanh, nhưng để tiếp cận với cơ hội đó, để giảm được chi phí giao dịch trong kinh doanh thì chất lượng và hiệu quả của kết nối chuỗi cung ứng rất quan trọng.

Nói sâu hơn một chút, sản xuất kinh doanh trên thế giới hiện nay mang tính phân khúc, dựa trên địa điểm vị trí, lợi thế so sánh, nhưng chi phí của dịch vụ kết nối quyết định đến việc phân bổ đầu tư, nâng cao hiệu quả của sản xuất kinh doanh, nên bản chất của kết nối chuỗi cung ứng là tạo ra những dịch vụ kết nối có chi phí là thấp nhất.

Để đảm bảo được điều này, không chỉ cần chi phí kết nối hạ tầng cứng, mà nó liên quan đến nhiều đến kết cấu hạ tầng mềm, từ hải quan, dịch vụ hải quan, logistic, các hình thái dịch vụ khác, để giảm thiểu chi phí và từ đó nâng cao hiệu quả kết nối, cạnh tranh kinh doanh cũng như khai thác tối đa lợi thế về địa điểm...

Như vậy, cuộc đối thoại sẽ bàn tới các cách để gỡ các điểm nghẽn, thưa ông?

Đúng vậy. Kế hoạch khung về kết nối chuỗi cung ứng đã qua giai đoạn 1 triển khai, với việc làm rõ 8 điểm nghẽn kết nối.

Hiện tại đang triển khai giai đoạn 2, trong đó sẽ tập trung vào 4 điểm nghẽn liên quan đến hạ tầng cứng, hạ tầng mềm. Bản chất vẫn là làm sao để đưa dịch vụ kết nối tốt hơn.

Việt Nam sẽ được lợi gì trong các cuộc đối thoại và làm việc như thế này, thưa ông?

Việt Nam với tư cách là chủ nhà sẽ xem xét lại những vấn đề đã được bàn đến trong các giai đoạn trước và hiện tại, để đưa ra những vấn đề mới, nhất là 4 điểm nghẽn lớn trong chuỗi cung ứng, qua đó sẽ đề xuất các vấn đề cần tiếp tục.

Hơn thế, Việt Nam vừa là chủ tọa, vừa có chuyên gia tham gia xây dựng để kiến nghị SOM 1 có căn cứ tiến hành các kế hoạch tiếp theo.

Còn về lợi ích, thì từ các khuyến nghị, đề xuất và kinh nghiệm của các nền kinh tế, Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm, thông lệ tốt để thực hiện cải cách trong nội bộ.

Cũng phải nhấn mạnh, công việc của APEC là tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Các nước thành viên APEC nếu chia sẻ được, đồng lòng giảm thiểu các điểm nghẽn, thực thi mạnh các cam kết thì cả cộng đồng kinh doanh sẽ được lợi.

Khánh An
http://baodautu.vn