Sắc mới trên vùng "đất thép" xưa

Những năm qua, cùng với sự chung sức của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4), LLVT huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đã có nhiều biện pháp sáng tạo, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nhân dân.

 

Đến huyện Củ Chi, chúng tôi thực sự ấn tượng với hàng trăm công trình xây dựng đạt theo tiêu chí NTM, có những công trình mang ý nghĩa đặc biệt. Dẫn chúng tôi thăm Nhà văn hóa ấp Cây Sộp (xã Tân An Hội), ông Trần Văn Tum, Trưởng ấp, cho biết: “Có được nhà văn hóa khang trang như thế này là nhờ giúp đỡ của bộ đội Sư đoàn 9 đấy”. Để xây dựng nhà văn hóa, địa phương đã có quỹ đất, nhưng vị trí không phù hợp. Thấy vậy, lãnh đạo Sư đoàn 9 đề xuất với địa phương xây dựng nhà văn hóa trên khu đất diện tích 500m2 của đơn vị. Đơn vị cũng đóng góp nhiều công sức, hỗ trợ một phần vật liệu xây dựng để nhà văn hóa hoàn thành đúng tiến độ.                         

4 năm qua, Nhà văn hóa Cây Sộp không chỉ là nơi tổ chức hoạt động của địa phương, mà còn tổ chức các hoạt động kết nghĩa, vui chơi giải trí của quân dân. Đó là một trong số 53 công trình mà Sư đoàn 9, LLVT huyện Củ Chi phối hợp cùng nhân dân thực hiện trong Phong trào “Chung sức xây dựng NTM”. Từ năm 2013 đến nay, Sư đoàn 9 và LLVT huyện cùng các đơn vị đã xây dựng 7 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, tặng các gia đình chính sách, người dân nghèo; sửa chữa 48 căn nhà dân hư hỏng; phối hợp với các bệnh viện khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 2.900 người dân nghèo, gia đình chính sách; làm mới, sửa chữa hơn 40km đường giao thông nông thôn, rà phá bom, mìn vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh... Đáp lại tình cảm của bộ đội, nhân dân đã động viên, tạo điều kiện về bãi tập giúp bộ đội huấn luyện dã ngoại, diễn tập, xây dựng đơn vị VMTD.

Cùng với sự chung sức của LLVT, cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Củ Chi luôn năng động sáng tạo phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong xây dựng NTM. 

Để đạt được kết quả đó, huyện tập trung đột phá vào các nội dung như: Xây dựng công trình hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực, sức lan tỏa. Theo đó, từng xã có đề án, xác định rõ nội dung, chỉ tiêu, biện pháp, nguồn kinh phí thực hiện. Các mô hình phát triển kinh tế, kế hoạch thực hiện đề án, công trình đều có sự góp ý của người dân. Nhờ vậy, huyện có 1.629 hộ dân đóng góp vật liệu, hiến đất với tổng diện tích hơn 396.300m2. Bằng các biện pháp xã hội hóa, huy động sức mạnh của mọi tổ chức, cá nhân, đến nay cơ sở hạ tầng điện, trường, trạm, công trình thủy lợi của địa phương đều đồng bộ khép kín, hệ thống đường giao thông trải nhựa, bê tông hóa 100%, từ đó thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư hình thành các khu công nghiệp.

Sau chiến tranh, Củ Chi có số lượng đối tượng chính sách rất lớn. Từ năm 2010 đến nay, địa phương và các tổ chức, cá nhân đã xây dựng 466 căn nhà tình thương, tình nghĩa, tặng gia đình chính sách, hộ nghèo. Ông Nguyễn Văn Em, ngụ ở xã Tân Thông Hội, thương binh hạng 2/4, chủ vườn hoa lan hơn 1000m2, vui vẻ cho biết: “Nhờ chính sách hỗ trợ của địa phương, tôi được tập huấn kỹ thuật và vay vốn sản xuất ưu đãi. Công việc trồng hoa phù hợp với sức khỏe của tôi, nên mỗi năm gia đình thu lợi gần 100 triệu đồng”. Niềm vui của ông Nguyễn Văn Em cũng là niềm vui chung của quân dân "đất thép" Củ Chi xưa, nhân kỷ niệm 40 năm Đại thắng mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

DUY HIỂN
Theo qdnd.vn