Sẵn sàng cho vụ nuôi 2013

Sẵn sàng cho vụ nuôi 2013
Năm 2012, dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm cả nước, nhất là ĐBSCL. Chuẩn bị cho vụ nuôi 2013, nhiều địa phương đã sẵn sàng phương án ứng phó dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Buội, quyền Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre: Tăng cường quản lý vùng nuôi

Hiện, tình hình nuôi tôm tại Bến Tre tương đối ổn định, tuy vẫn có một số diện tích nhiễm bệnh (khoảng 15 ha), chủ yếu bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Thời tiết đầu mùa vụ có nhiều bất lợi, nhiệt độ thay đổi liên tục, mưa gió nhiều... nên người dân thả cầm chừng. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh cùng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, tập huấn kỹ thuật chọn con giống, thả nuôi, vệ sinh ao nuôi; phối hợp Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh khuyến cáo thả nuôi đúng lịch thời vụ. Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng thanh tra tiến hành kiểm tra, xử lý các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm lưu hành...

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chi cục trong năm 2013 là thành lập mới và nâng cao hiệu quả Ban quản lý vùng nuôi, trở thành cầu nối cung cấp thông tin về môi trường, tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo của ngành chức năng đến các hộ dân nuôi tôm; đồng thời hỗ trợ, phối hợp chính quyền địa phương quản lý thời vụ. Đặc biệt, thông báo kịp thời tình trạng tôm bị dịch bệnh, quản lý việc xả thải, mầm dịch bệnh ra môi trường để tránh lây lan trên diện rộng và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

 

Ông Phạm Hoàng Giang, chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu: Đẩy mạnh tuyên truyền

Toàn tỉnh đã thả nuôi 82.494 ha/124.022 ha, tập trung tại các huyện Hòa Bình, Đông Hải, Giá Rai và TP Bạc Liêu. Do bị thiệt hại lớn trong năm 2012 nên người nuôi đã có ý thức hơn trong khâu cải tạo ao, xử lý môi trường... Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn xuất hiện, gây thiệt hại cho 1.899 ha/82.494 ha đã thả nuôi, trong khi chưa có giải pháp căn cơ nhằm hạn chế và đẩy lùi dịch bệnh. Người nuôi còn quá khó khăn trong tiếp cận vốn; cùng với những bất lợi về điều kiện thời tiết (chênh lệch nhiệt độ ngày đêm 8 - 9oC), cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ... Nhiều khả năng dịch bệnh năm nay vẫn diễn biến phức tạp.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, Chi cục NTTS và các ngành chức năng trong tỉnh tăng cường kiểm tra chất lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn lịch thời vụ và các biện pháp phòng bệnh thông qua tập huấn, hội thảo giữa người nuôi và cán bộ kỹ thuật; hướng dẫn thả nuôi giãn vụ, mật độ thả phù hợp (đối với mô hình nuôi tôm sú thâm canh - bán thâm canh, mật độ thả 25 con/m2), chất lượng con giống được kiểm định...

 

Vụ tôm 2013, nhiều địa phương đã sẵn sàng ứng phó dịch bệnh - Ảnh: Thanh Ngân

Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc sở NN&PTNT Kiên Giang: Đầu tư hệ thống thủy lợi trong nuôi tôm công nghiệp

Theo quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Kiên Giang là 20.000 ha, tập trung ở 2 huyện Kiên Lương, Giang Thành; trong đó, năm 2013 là 2.000 ha. Khó khăn nhất trong phát triển nuôi tôm công nghiệp của tỉnh hiện nay là hệ thống thủy lợi mặn chưa đáp ứng nhu cầu. Hệ thống cống ngăn mặn đê biển nhiều nơi chưa được xây dựng, nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp chưa có hệ thống thủy lợi. Trong khi đó, vốn đầu tư cho thủy lợi mới đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu nạo vét kênh mương; thiếu vốn đầu tư xây dựng mới. Từ đó dẫn tới tình trạng tôm nhiễm bệnh và chết vào đầu vụ, nhất là những tháng mùa khô, và chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thiệt hại nặng về kinh tế; người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư nuôi tôm quy mô lớn. Con giống sạch bệnh còn thiếu, tôm giống phải nhập từ tỉnh ngoài nên chưa kiểm soát được nguồn gốc...

Khắc phục những bất cập này, vụ tôm 2013 Kiên Giang tập trung cải tạo và xây dựng một số dự án, công trình thủy lợi trọng điểm phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống mương nổi để chủ động cung cấp nước sạch và thoát nước khi cải tạo ao đầm; ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, tạo môi trường bền vững. Về lâu dài, tỉnh huy động các nguồn lực từng bước đầu tư, xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi mặn ở những vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp; chú trọng đầu tư đường ống dẫn nước từ biển vào ao đầm nuôi tôm, đảm bảo có nguồn nước sạch.

 

Ông Nguyễn Công Quốc, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau: Tuân thủ lịch mùa vụ

Trong tháng 1 và tháng 3 đã xuất hiện những cơn mưa lớn làm biến động môi trường ao nuôi, tạo thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển, ảnh hưởng tới việc thả nuôi. Hiện, toàn tỉnh thả nuôi 2.800 ha/5.000 ha tôm quảng canh, 800 - 900 ha tôm quảng canh cải tiến; trong đó có hơn 140 ha tôm chết, tập trung nhiều ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, chủ yếu do bệnh đốm trắng và gan tụy... Thời gian tới, tình hình thời tiết, môi trường, dịch bệnh trên tôm vẫn còn phức tạp. Nhằm chủ động trong sản xuất, hạn chế thiệt hại, ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các Chi cục NTTS, Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Thú y và Thanh tra Sở kết hợp với các Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư hướng dẫn người dân cách thức xử lý tôm chết trong vuông nuôi, hỗ trợ hóa chất để dập dịch… Đồng thời, Chi cục phối hợp ngành chức năng các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân lịch thời vụ, cách phòng chống dịch bệnh, biện pháp xử lý khi có dịch xảy ra… Với những diện tích nuôi bị ảnh hưởng thời tiết, cần hạn chế tối đa việc lấy nước vào ao nuôi, nên xả nước tầng mặt để môi trường ít bị biến động. Khi phát hiện có những biểu hiện lạ ở tôm nuôi, cần thông báo cho cán bộ kỹ thuật và cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ trong việc giảm thiệt hại và phòng chống dịch bệnh lây lan.

Phương Chi

Thủy sản Việt Nam