Sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững - Hợp tác trên “cánh đồng mẫu lớn”
- Thứ ba - 05/03/2013 20:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
-
Đề xuất xóa tạm trữ
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau khi triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL đã tăng lên 5.200 - 5.300 đồng/kg (lúa khô loại thường) và 5.400 - 5.500 đồng/kg (lúa khô hạt dài), đảm bảo nông dân có lãi. Đầu ra hạt lúa được khơi thông so với thời điểm đầu vụ đông xuân, song nhiều người vẫn trăn trở về cơ chế thu mua tạm trữ. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho rằng: “Mùa vụ canh tác, diện tích, sản lượng lúa… gần như đã biết trước. Tại sao năm nào chúng ta cũng phải vất vả với chuyện mua tạm trữ để nâng giá lúa cho nông dân. Điều này cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh lương thực và ngành thương mại chưa chủ động tốt đầu ra”.
Mặt khác, thời điểm triển khai mua tạm trữ, phân bổ sản lượng, giá sàn… cũng nảy sinh nhiều ý kiến trái nhau. Nếu như VFA cho rằng việc mua tạm trữ từ 20-2 trở đi là hợp lý vì ĐBSCL vào thu hoạch rộ thì các tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp cho là triển khai quá trễ, khiến lúa rớt giá gây thiệt cho nông dân (!?). Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến: “Nên xem việc mua tạm trữ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài cần cái nhìn dài hạn căn cơ hơn để giải quyết tốt bài toán sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), cho biết, nhà nước không cần hỗ trợ lãi suất 0% để các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ như hiện nay. Bởi từng doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu gạo thì phải tự chủ nguồn nguyên liệu cho chính mình và cần có trách nhiệm với nông dân. Nếu kéo dài cơ chế tạm trữ sẽ khiến một số doanh nghiệp ỷ lại, trông chờ vào nhà nước. Thay vì hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua gạo tạm trữ, nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn.
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là hướng đi bền vững cho lúa gạo VN. |
-
Liên kết sản xuất và tiêu thụ
Hạn chế cơ bản của sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo lâu nay là thiếu hệ thống sấy - kho trữ, thiếu liên kết và chưa có thương hiệu gạo quốc gia. Do đó cứ mãi loay hoay xử lý tình thế, còn nông dân luôn phập phồng chuyện lúa rớt giá khi vào đợt thu hoạch rộ.
Để nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cho thấy hướng đi đúng để phát triển lúa gạo hiện đại, bền vững. Nông dân từ sản xuất riêng lẻ, manh mún, được quy tụ thành vùng sản xuất lớn được doanh nghiệp hỗ trợ các sản phẩm đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu… giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng. Quá trình canh tác có kỹ sư giúp về chuyên môn, khi thu hoạch được bao tiêu đầu ra. “Cánh đồng mẫu lớn” không chỉ giảm được chi phí đầu tư, tăng năng suất, nâng cao chất lượng hạt gạo… mà còn là yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu gạo, truy xuất được nguồn gốc nhờ quản lý chặt đầu vào - đầu ra.
Tổng giám đốc AGPPS Huỳnh Văn Thòn chứng minh, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ gạo khó tính nhất trên thế giới. Thế nhưng, từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn” do AGPPS đầu tư đã đáp ứng được 593 chỉ tiêu về chất lượng gạo, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân bón, kim loại nặng, phân tích ADN của gạo để xác định biến đổi gen; kiểm tra hệ thống xay xát, sấy, nhà kho, thiết bị… Đưa gạo Việt vào thị trường Nhật Bản với giá cao, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng. Nếu chúng ta quyết tâm, mạnh dạn thay đổi cách làm bài bản, căn cơ hơn, liên kết chặt với nhau thì sẽ thành công. Và giá trị hạt gạo sẽ được nâng lên, lợi nhuận mà nông dân thu được từ cây lúa cũng nhiều hơn.
Hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” vụ đông xuân 2012 - 2013 được nâng lên 76.559ha. Song diện tích trên còn khiêm tốn so với 1,55 triệu ha. Nhiều ý kiến đề xuất đã đến lúc cần chế tài đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Theo đó, quy định từng doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu từ 5.000ha trở lên, gắn với nông dân. Ai kinh doanh theo kiểu mua đứt - bán đoạn như lâu nay thì không cho tham gia xuất khẩu gạo. Một khi mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được nhân rộng, gắn chặt liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì vấn đề tiêu thụ lúa gạo sẽ được giải quyết ổn thỏa, không còn phải vất vả thu mua tạm trữ để chờ giá như hiện nay.
HUỲNH PHƯỚC LỢI
Nguồn:sggp.org.vn