Sản xuất nông nghiệp cần sớm chuyển hướng sang chuẩn an toàn
- Thứ năm - 07/09/2017 04:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nếu vẫn tiếp tục lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng như không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách) của người nông dân trong sản xuất cây trồng đang gây nguy hại đến môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Do vậy, thời gian qua, nông dân vùng ĐBSCL đã dần thay đổi tư duy canh tác kết hợp với quá trình sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn là hướng đi chiến lược .
Khi thực phẩm bẩn luôn “rình rập”, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, thì mong muốn có được nguồn thực phẩm an toàn cho mỗi gia đình là điều mà rất nhiều người quan tâm cho mỗi bữa ăn hàng ngày. Với nhu cầu thiết thực này, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã hình thành những mô hình trồng rau hữu cơ, trồng lúa, hoa màu hạn chế bón phân hóa học, phun xịt thuốc BVTV… và cho ra sản phẩm nông sản an toàn. Những mô hình trồng rau hữu cơ là tuyệt đối không bón phân hóa học, phun thuốc BVTV mà chỉ bón phân hữu cơ và dùng các loại thảo mộc như tỏi, gừng, ớt giã nhuyễn và trộn với rượu để diệt sâu rầy hoặc dùng phương pháp bẫy đèn, thả chim ăn sâu, trồng hoa dẫn dụ bướm để loại bỏ sâu bệnh. Để kích thích cây tăng trưởng, người trồng dùng đu đủ, chuối và đường trộn đều xay nhuyễn để bơm cho cây.
Ông Phan Văn Thật, Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình, Hậu Giang, cho biết: Trong những năm gần đây, nền kinh tế nông nghiệp địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, đa phần người dân quan tâm, học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm hạn chế thất thoát, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy đến nay, ngoài sản phẩm lúa gạo thì địa phương còn đa dạng các sản phẩm nông nghiệp khác như: hoa màu, cây ăn trái, thủy sản, gia súc, gia cầm…
Trước yêu cầu sản xuất nông nghiệp an toàn, ngành nông nghiệp và chính quyền của nhiều địa phương cùng các doanh nghiệp, nông dân đã và đang xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của bà con nông dân. Thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nổi bật, trong đó có mô hình trồng hoa dưới bóng râm vườn cây ăn trái…Đây là mô hình kết hợp thông minh, bởi khi người dân trồng xen hoa với cây trồng thì thu hút và dẫn dụ thiên địch, góp phần hạn chế những côn trùng gây hại. Với cách làm này, người dân vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa hạn chế ngày công lao động.
Để từng bước phát triển theo hướng sản xuất nông sản an toàn, Sở Nông nghiệp & PTNT của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đưa ra những giải pháp như: tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng và theo nguyên tắc “4 đúng”; thu gom, xử lý bao gói đúng cách sau khi sử dụng bằng cách triển khai nhân rộng mô hình xây dựng bể chứa thu gom bao gói thuốc BVTV theo Cơ quan hợp tác phát triển Luxembourg hỗ trợ; xây dựng nhiều mô hình trình diễn về sử dụng thuốc BVTV, quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng; ký cam kết bảo vệ môi trường đối với các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV…
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ trăn trở: Lâu nay dân gian vẫn lưu truyền câu ca “Cần Thơ gạo trắng nước trong / Ai đi đến đó lòng không muốn về” – nghe thôi đã thấy hiển hiện một nền nông nghiệp trù phú và no ấm. Nhưng tiếc thay, nhiều năm nay, cả Cần Thơ cũng như toàn vùng ĐBSCL vẫn loay hoay trong bài toán phát triển nông nghiệp sạch và bền vững. Muốn tìm thực phẩm sạch, an toàn ở vùng châu thổ cũng “đỏ mắt” mà còn đầy nghi ngại. Thực tế, không chỉ riêng ĐBSCL mà trên cả nước, việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bắt đầu từ việc thúc đẩy áp dụng các quy trình thực hành tốt (GAP) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian dài cải tạo đất và nguồn nước dẫn đến chi phí sản xuất cao. Đồng thời, phải từ bỏ cách làm đơn giản theo kiểu truyền thống là phun xịt thuốc khi dịch bệnh, bón phân hóa học cho đất…
Vì lẽ đó, giải pháp canh tác để tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng an toàn là xu hướng phát triển tất yếu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp nông dân tăng thu nhập một cách bền vững; đồng thời cải thiện, góp phần khôi phục hệ sinh thái nông nghiệp, bảo vệ môi trường tự nhiên. Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ cho ĐBSCL hẳn còn là một hành trình dài với nhiều nỗi gian truân. Nhưng không đi thì làm sao đến, không gõ thì làm sao mở? Những mô hình canh tác thành công, dù nhỏ hay lớn cũng đang gieo niềm hy vọng cho sự hình thành một nền nông nghiệp hữu cơ trong tương lai. Chỉ có điều, hành trình ấy phải được thực hiện bằng tất cả sự nỗ lực, kiên trì, đầy tâm huyết và nhân văn của những người trong cuộc.
Theo Giang San/thuonggiathitruong.vn