Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Thiếu vốn và khó về đầu ra
- Thứ sáu - 10/11/2017 22:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khó khăn về vốn
Vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) rất lớn, đi cùng với đó là cần có diện tích đất sản xuất lớn. Vì như bình quân một ha rau ứng dụng công nghệ cao hết từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng - một chi phí quá lớn đối với những người mới lập nghiệp.
Chăm sóc cây măng tây xanh ở Nghi Liên, thành phố Vinh. Ảnh: Châu Lan |
Những năm qua, Nghệ An đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt các Đề án và Quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng CNC Phủ Quỳ; ban hành Quyết định số 23/2015 về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dự án công nghệ cao... Tuy nhiên, hiện nay có rất ít doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Ngọc Trung ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông - người triển khai dự án rau quả an toàn với dưa lưới Mỹ và cà tím tưới nhỏ giọt đầu tiên chia sẻ: “Tôi được huyện Con Cuông hỗ trợ 900 triệu đồng làm dự án nên tôi làm rất quyết tâm, trách nhiệm. Hiện nay, ngoài diện tích dưa lưới của Mỹ vụ thứ 2, tôi đang triển khai dự án trồng cà tím theo công nghệ tưới nhỏ giọt, đầu tư hết 370 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 150 triệu đồng, gia đình bỏ ra 120 triệu đồng. Mô hình tôi làm mục đích để nông dân biết cách sản xuất ra sản phẩm sạch, nhưng sản xuất sản phẩm sạch đầu tư chi phí khá lớn nên mong được hỗ trợ từ Nhà nước”.
Đồng quan điểm này, anh Phan Văn Diện - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ khoa học công nghệ Nông nghiệp Thành An, đơn vị triển khai sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao ở Con Cuông cũng cho biết: “Hiện, tôi đầu tư 1 ha dược liệu với hệ thống nhà màng, phun mưa, chế biến, đóng gói hết khoảng 4 tỷ đồng, sản phẩm đã bán ra thị trường là cà gai leo và dây thìa canh. Tuy nhiên, công ty đang phải vay ngân hàng là chủ yếu nhưng không được vay tín chấp (mà vay bằng thế chấp) nên rất khó khăn. Mong sao doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất ngân hàng”.
Đóng gói sản phẩm dược liệu ở huyện Con cuông. Ảnh: B. Hậu |
Ông Phạm Văn Tiến - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Đầu tư PTNN Tâm Nguyên cũng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC rất thiếu đất để đầu tư sản xuất lâu dài, bài bản. Đi thuê đất của nông dân, của địa phương chỉ được chu kỳ khoảng 5 năm, trong khi đó đầu tư lĩnh vực này tốn kém và thu hồi vốn không dễ. Bên cạnh đó còn thiếu cơ chế rõ ràng cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực rau củ quả, đồng thời các địa phương như xã, huyện cũng bị động trong việc phối hợp với doanh nghiệp xây dựng được vùng sản xuất. Hiện, 1 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chi phí khoảng chừng 6 tỷ đồng, đó là loại bình quân, tức khoảng 600 triệu đồng cho 1.000m2. Đây là chi phí khá lớn mà chỉ có doanh nghiệp mới kham được.
Bất cập đầu ra sản phẩm
Hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC như Tập đoàn TH, Công ty CP Sữa Vinamilk, Công ty cổ phần sản xuất & cung ứng rau quả sạch Quốc tế; Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An hay Công ty CP Đầu tư PTNN Tâm Nguyên... đã có mạng lưới bán hàng cho sản phẩm của mình, đó là các siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng nông sản sạch... Tuy nhiên đối với nhiều mô hình khởi nghiệp khác, việc tiêu thụ sản phẩm đang hết sức khó khăn. Hầu như các ông chủ trẻ đang phải vừa làm vừa chạy đầu ra, tranh thủ đủ kênh bán hàng từ bán qua Facebook, Zalo hay bán ký gửi, liên hệ tại các nhà hàng, khách sạn...
Địa điểm bán hàng cũng là vấn đề nan giải bởi để có một cửa hàng nằm ở điểm dân cư đông đúc thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm thì giá thuê lại quá đắt đỏ. Bên cạnh đó cần phải có kho bảo quản, cất trữ để hàng hóa luôn đảm bảo tươi ngon. Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều mong có địa điểm sản xuất kinh doanh thuận lợi và hiện chưa có chính sách hỗ trợ vấn đề này.
Chị Nguyễn Thu Hằng ở phường Đội Cung, thành phố Vinh cho biết: Tôi bây giờ đi chợ rất lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Rau thì phun thuốc trừ sâu, lợn thì cho ăn tăng trọng, ăn uống như rước bệnh vào người.
Suy nghĩ của chị Hằng cũng là lo lắng của nhiều người dân và họ vẫn muốn tìm mua sản phẩm sạch. Tuy nhiên, điều trái ngược là trong khi nhu cầu về sản phẩm sạch trên thị trường là rất lớn thì sản phẩm nông nghiệp sạch lại đang loay hoay tìm thị trường. 1 bó rau bình thường 5.000 đồng nhiều người mua nhưng nếu một bó rau sạch trọng lượng tương đương giá bán 10.000 - 15.000 đồng sẽ rất kén người mua. Giá một kg rau cải sạch của TH hiện bán tại nông trại là 20.000 đồng, nếu bán ở siêu thị thì bán được nhưng nếu đưa ra chợ người dân sẽ cầm lên đặt xuống. Chưa kể tâm lý người dân chưa đủ niềm tin về sản phẩm có sạch thật sự hay không.
Cây dâu tây trong nhà kính. |
Chi phí sản xuất cao đồng nghĩa với việc giá thành sẽ cao hơn nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng đang khó chấp nhận và chưa đối xử công bằng về giá đối với sản phẩm sạch. Đây là bài toán khá nan giải cho người sản xuất nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, những người sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải quản lý tốt, có kỹ thuật, có kiến thức nông nghiệp, thường xuyên trao đổi kiến thức để vận hành nông trại tốt nhất. Việc tiếp cận các chỉ tiêu về rau sạch, an toàn như VietGAP, Global Gap... theo các ông chủ trẻ còn nhiều khó khăn và chi phí lớn. Ngay cả khi có chính sách thì khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, các chính sách hỗ trợ cũng rất khó đối với các doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tới đây UBND tỉnh sẽ có cuộc họp và đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị một số chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp ứng dụng CNC. Chúng tôi cũng mong tỉnh sẽ quan tâm hơn trong vấn đề này, trong đó có vấn đề vốn và hỗ trợ địa điểm kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Châu Lan/baonghean.vn