Sản xuất nông sản sạch “chậm lớn” do đâu?

VOV.VN - Tình trạng thông tin nhập nhèm giữa sạch và không sạch là một trong những căn nguyên khiến sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa lớn được.

Được gì sau 2 thập niên phát triển?

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam được cho là hình thành từ đầu những năm 1990 khi một số tổ chức phi chính phủ đến Việt Nam nghiên cứu và đầu tư dự án sản xuất hữu cơ.

san xuat nong san sach cham lon do dau hinh 1
Mô hình trồng dưa lưới sạch tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Hồng Quang)

 

Đầu tiên là dự án trồng chè hữu cơ tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) dưới sự hỗ trợ của tổ chức CIDCE, kế tiếp là dự án rau an toàn tại Hà Nội (1998 – 2004) và một loạt dự án trồng lúa, cam, vải, bưởi, chè, cá… do Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á của Đan Mạch (ADDA) hỗ trợ.

Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của người làm nông nghiệp hữu cơ, đến nay cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ về thóc lúa, chè, tôm…

Đặc biệt, đã xuất hiện các địa phương có quy hoạch đất đai cho phát triển nông nghiệp hữu cơ như Tây Ninh (bước đầu 1.500 ha), Sóc Trăng (dự kiến 10.000 ha).

Tuy nhiên, ông Mịch cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa nở rộ do nhiều trở ngại, nhất là do người tiêu dùng chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hưu cơ và các sản phẩm hữu cơ. Dẫn đến, chưa tồn tại và hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại chỗ, đồng thời không khuyến khích được nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.

Trở ngại đáng nói nữa là đến nay hạ tầng phụ trợ như chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, cung cấp vật tư… cho nông nghiệp hữu cơ hầu như chưa có.

Theo ông Nguyễn Văn Chinh, CEO của Kim Sơn Farm (Hà Nội), ngoài khó khăn về hạ tầng phụ trợ, thì thời gian chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ cũng cần đến 3 năm.

Ông Chinh lý giải, nếu đúng quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ thì chỉ cần 12 - 18 tháng, tuy nhiên thời gian kéo dài lên 3 năm bởi nhà sản xuất không chỉ cần hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ mà còn cần thời gian vận hành hiệu quả mô hình sản xuất dựa trên điều kiện thời tiết, cung cầu thị trường.

Minh bạch thông tin ra sao?

Theo ông Ưng Thế Lãm, CEO của Công ty tư vấn Nông Gia Trang, hiện tồn tại một thực tế là người tiêu dùng thì có nhu cầu hàng sạch, nhưng không biết tìm ở đâu. Ngược lại, người tình nguyện làm nông nghiệp sạch thì cần đến khoảng 2 - 3 năm để tìm hiểu, thực hiện hoặc chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ.

“Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra trong quãng thời gian 2 - 3 thì người làm nông nghiệp hữu cơ sống bằng gì và sản phẩm bán cho ai, bởi họ thường chỉ giỏi khâu sản xuất”, ông Lãm nói.

Tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp Việt Nam (VAPF) số 09 diễn ra ngày 19/9 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch nhận định, những mô hình nông nghiệp hữu cơ thành công ban đầu ở Việt Nam đều có bóng dáng của “bà đỡ” là Nhà nước, tổ chức quốc tế hay tổ chức cộng đồng.

san xuat nong san sach cham lon do dau hinh 2
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (Ảnh: Hồng Quang)

 

 

Đối với tổ chức cộng đồng, tổ chức cộng đồng nếu được hỗ trợ và tạo cơ chế, thì có thể hỗ trợ chứng nhận hữu cơ, thẩm định vay vốn, thậm chí là nghiên cứu, xác định cung cầu thị trường… nhằm tránh những câu chuyện giải cứu nông sản như thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cái khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch là làm sao để minh bạch thông tin.

Ông Thành nhấn mạnh: Cần có cơ chế minh bạch thông tin cho sản phẩm sạch, bởi thành công hay thất bại chủ yếu do minh bạch thông tin, làm sao để nhận biết sản phẩm sạch và sản phẩm đó khác biệt với sản phẩm thông thường ra sao.

“Và nếu thông tin không minh bạch, không rõ ràng thì người tiêu dùng khó lòng mà chi tiền cho sản phẩm sạch. Nếu không làm được điều này, sớm muộn những người làm nông nghiệp sạch sẽ phải trở lại sản xuất nông nghiệp thông thường,” ông Thành nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, tâm lý hiện nay không phải ai cũng muốn minh bạch thông tin. Để minh bạch hóa thông tin, nguồn gốc sản phẩm và hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp hữu cơ, rất cần vai trò của tổ chức hội, tổ chức cộng đồng để thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn minh bạch, đào tạo, kiểm tra, giám sát thực hiện tiêu chuẩn minh bạch thông qua công cụ truy xuất nguồn gốc. Từ đó, có thể công bố và dán tem sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Chưa dám nghĩ đến giải pháp gì to tát, ông Ưng Thế Lãm của Công ty tư vấn Nông Gia Trang chọn giải pháp trước mắt là tổ chức tour cho người tiêu dùng đi thăm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để họ tự đánh giá, quyết định lựa chọn mua./.

 

CTV Hồng Quang/VOV.VN