Sản xuất theo chuỗi: Ngân hàng đóng vai trò quan trọng
- Thứ tư - 17/08/2016 10:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xung quanh vấn đề này, bà Mai Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang, Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có cuộc trao đổi với Thời báo Ngân hàng.
Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình cho vay theo chuỗi liên kết triển khai thời gian qua?
Theo tôi được biết thì sau hai năm triển khai Nghị quyết 14, các NHTM đã giải ngân cho vay 22/28 DN để thực hiện 22/31 dự án với số tiền hơn 7.333 tỷ đồng, cao hơn mức cam kết 1.700 tỷ đồng, do có 4 DN được liên bộ phê duyệt mở rộng quy mô sản xuất so với dự án ban đầu. Hiện dư nợ còn 915,84 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn là 807 tỷ đồng, dư nợ dài hạn là hơn 107 tỷ đồng.
Chương trình này được triển khai trên cả nước nhưng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang được chọn khá nhiều DN tham gia. Về cơ bản, theo đánh giá từ phía các bộ, ngành, địa phương thì chương trình đã tạo điều kiện cho một số DN đầu mối thực hiện các mô hình liên kết, thúc đẩy xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho cả DN đầu mối, người nông dân và NHTM.
Tại An Giang đã được các sở, ngành triển khai mô hình này thế nào, thưa bà?
Trước đây, khi chưa có Nghị quyết 14, An Giang cũng có triển khai mô hình chuỗi liên kết với quy mô nhỏ, nên cũng tích lũy được kinh nghiệm. Vì vậy, khi triển khai Nghị quyết 14, NHNN chọn An Giang triển khai một số mô hình thí điểm trong đó chọn 4 chuỗi sản phẩm với nguồn vốn NH được hỗ trợ liên tục cho các thành viên trong chuỗi triển khai liên kết rất chặt chẽ.
Đặc biệt, trước đây vấn đề cá tra đã từng gặp điểm nghẽn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng tới chất lượng sử dụng nguồn vốn. Khi triển khai sản xuất kinh doanh chuỗi theo Nghị quyết 14 hầu như các thành viên trong chuỗi nuôi và tiêu thụ cá tra đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thời kết nối với đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp. Các hộ nuôi cũng kết nối được với DN để tiêu thụ sản phẩm. Nói chung các “mắt xích” liên kết trong chuỗi đã có sự phối hợp rất chặt chẽ để mang lại hiệu quả.
Bà có thể nói rõ hơn về kinh nghiệm của An Giang khi triển khai mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết?
Những năm trước, An Giang đã triển khai chuỗi cá tra và rau quả, nhưng ở dạng thí điểm và đã dừng lại sau một thời gian do thiếu nguồn vốn. Khi đó, nguồn vốn do một vài dự án từ Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết nhưng quy mô rất nhỏ.
Sau đó, thực hiện Nghị quyết 14, NHNN phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Với bốn DN đầu tiên có các dự án đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết đã chính thức ký hợp đồng vay 350 tỷ đồng từ các NH. Trong đó, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco) được vay 234 tỷ đồng từ Agribank để thực hiện dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco “sản xuất – chế biến – xuất khẩu”.
CTCP xuất nhập khẩu Thịnh Phú An Giang được vay 19 tỷ đồng từ Vietcombank để thực hiện dự án đầu tư cánh đồng lớn tại ấp Tân Phú A1, xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang; với sự tham gia của 474 hộ dân trên địa bàn. Ngoài ra còn có dự án sản phẩm lúa nếp trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh An Giang với sự tham gia của hơn 300 hộ dân và dự án đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu với sự tham gia của khoảng 10 nghìn hộ dân do Agribank tài trợ vốn.
Có thể nói các hộ dân trước đây làm ăn tự phát thì nay tham gia sản xuất theo chuỗi rất phấn khởi. Những hộ tham gia chuỗi cá tra đã ổn định về nguồn vốn sản xuất, chất lượng cũng đảm bảo do được DN và địa phương hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên. Đặc biệt, vấn đề tiêu thụ hàng hóa của người dân sản xuất ra ổn định liên tục, không có lo sợ hàng hóa tiêu thụ khó khăn, mất giá.
Cùng với NH thì địa phương hỗ trợ gì cho những DN và người dân khi sản xuất, kinh doanh theo chuỗi?
Đây là chương trình liên kết do NHNN và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp triển khai thí điểm do đó, các sở ngành dọc trên và chính quyền địa phương cũng có sự phối hợp, tạo điều kiện để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi được hiệu quả. Trong đó, từ sở đến phòng nông nghiệp huyện thị hỗ trợ DN, người nông dân qua việc tư vấn giúp các hộ nuôi, trồng nắm bắt kỹ thuật.
Hiện nay, An Giang cũng đang thực hiện triển khai chuỗi trồng và chế biến rau màu. Cùng với việc đang hoàn thành nhà máy đậu nành có công suất 1.000 tấn/ năm, kết hợp với vùng nguyên liệu trên địa bàn của huyện Châu Phú và các huyện lân cận để chuyển dịch cơ cấu từ cây lúa sang rau màu ở một số huyện đang có sự thành công bước đầu đã giúp người nông dân thu nhập tốt hơn, đồng thời hỗ trợ giúp nông dân tiêu thụ ổn định.
Xin cảm ơn bà!
Đức Nghiêm thực hiện
http://thoibaonganhang.vn/