Sản xuất theo hướng bền vững
- Chủ nhật - 27/01/2013 22:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Điển hình như CĐML ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang) với hàng ngàn hécta đất được AGPPS cung ứng cùng một loại giống Jasmine 85, OM 4218 hoặc OM 6976. Bên cạnh đó, công ty hỗ trợ toàn bộ phân, thuốc cho cả vụ mà không tính lãi. Hàng ngày có kỹ sư nông nghiệp xuống hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng ngừa dịch bệnh… tất cả quy trình được ghi chép sổ sách rõ ràng. Đến khi thu hoạch, AGPPS hỗ trợ bao đựng lúa, phương tiện vận chuyển, sấy lúa miễn phí và thu mua sản phẩm theo giá thị trường. Riêng những hộ chưa muốn bán lúa sớm thì công ty cho gửi vào kho trữ chờ giá. Cách làm này giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất bên ngoài, nhờ giảm được số lần phun thuốc, giảm phân bón và các khoản khác; đồng thời tăng được lợi nhuận nhờ năng suất và chất lượng lúa tăng lên. Thực tế tại xã Vĩnh Bình, mỗi năm sản xuất 3 vụ theo mô hình CĐML đạt mức lợi nhuận tới 79 triệu đồng/ha, số tiền trong mơ đối với nông dân làm lúa. Có thể thấy, cái hay của AGPPS trong mô hình này là được đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hùng hậu, luôn bám sát đồng ruộng để hỗ trợ nông dân trên nhiều mặt. Giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất cũ để hướng tới nền sản xuất lúa gạo kiểu mới “giảm chi phí, tăng chất lượng và lợi nhuận”. Đặc biệt, AGPPS đã mạnh dạn đầu tư xây các nhà máy xay xát lúa gạo hiện đại, kho chứa, hệ thống sấy và nhiều dịch vụ khác kèm theo. Do đó khi nông dân tham gia mô hình CĐML được hưởng lợi rất nhiều từ đầu vào sản xuất, đến đầu ra sản phẩm. Thêm vấn đề cần quan tâm trong xuất khẩu gạo là lâu nay các doanh nghiệp thường mua gạo thông qua thương lái, với nhiều giống lúa khác nhau; sau đó đem trộn lại làm gạo xuất khẩu. Vì vậy, chất lượng gạo khó đảm bảo được và cách làm này cũng không thể xây dựng thương hiệu cho hạt gạo. Đối với mô hình CĐML, hướng dẫn nông dân làm cùng một giống lúa, doanh nghiệp thu mua cùng một loại gạo nên đảm bảo chất lượng và đạt độ đồng đều cao. Nhờ đó hạt gạo xuất khẩu của AGPPS luôn cao hơn từ 40-50 USD/tấn so các doanh nghiệp khác sản xuất. Ngoài ra, CĐML còn có thể xây dựng thương hiệu gạo và truy xuất nguồn gốc được dễ dàng. Mới đây, khi đối tác Nhật Bản sang mô hình CĐML của AGPPS kiểm tra tới 593 chỉ tiêu về chất lượng gạo, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân bón, kim loại nặng, phân tích ADN của gạo để xác định biến đổi gen; kiểm tra hệ thống xay xát, sấy, nhà kho, thiết bị… tất cả đều đạt những yêu cầu khắt khe để đưa hạt gạo Việt vào được thị trường khó tính Nhật Bản. Đã đến lúc cần định vị lại xuất khẩu gạo từ số lượng sang chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo. Làm được việc này nhất thiết phải đẩy mạnh sản xuất lúa theo mô hình CĐML. Hiệu quả của mô hình này đã rõ, chủ trương phát triển cũng có, thế nhưng việc nhân rộng vẫn khó khăn do chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia. Ai cũng thấy những năm qua các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lời nhiều, trong khi nông dân rất vất vả nhưng lợi nhuận thu về chẳng bao nhiêu. Điều này cho thấy doanh nghiệp cần có trách nhiệm, có tâm, có cái nhìn xa hơn vì một nền sản xuất lúa gạo bền vững. Đầu tư cho mô hình CĐML, đầu tư cho nông dân để cùng nhau tiến lên nền sản xuất lúa gạo công nghệ cao là việc cần phải làm. Khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia chuỗi giá trị lúa gạo như AGPPS sẽ góp phần nâng cao đời sống của nông dân trồng lúa một cách căn cơ. Đây là hướng đi bền vững cho lúa gạo Việt Nam. PGS-TS DƯƠNG VĂN CHÍN |