Sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Thủ đô tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM), nghe qua dường như là nghịch lý, cho nên cũng đã gặp không ít khó khăn. Nhưng sau ba năm triển khai, nông thôn ngoại thành Hà Nội xuất hiện nhiều "điểm sáng", với 48 xã đạt chuẩn NTM. Vẫn là bài học thuận lòng dân, song cách làm sáng tạo, từ chính tâm huyết của những người "đứng mũi chịu sào", đến hành động cụ thể của từng người nông dân.
Ðến nay có 14 trong số 19 xã của huyện Ba Vì (Hà Nội) đạt 5 đến 10 tiêu chí; các xã còn lại đạt ba đến bốn tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Làm đường giao thông nông thôn tại xã Tản Hồng, Ba Vì.

Bài bản, cụ thể, sát sao để đồng thuận

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, khu vực ngoại thành Hà Nội có diện tích khoảng 2.800 km2, chiếm 85% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 180.000 ha, dân số vùng nông thôn khoảng bốn triệu người, chiếm hơn 60% lực lượng lao động của toàn thành phố. Nhưng thu nhập bình quân ở khu vực ngoại thành từ 700 đến 800 USD/người/năm, trong khi ở nội thành là 3.000 USD/người/năm. Thế nên, Thủ đô không chỉ lo chuyện ùn tắc giao thông, trật tự đô thị ở nội thành, mà nỗi lo lớn hơn là làm sao kéo gần khoảng cách chênh lệch trong phát triển giữa các vùng. Hà Nội là địa phương duy nhất có riêng một chương về xây dựng NTM trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010-2015, với mục tiêu đến năm 2015, có 40% số xã đạt chuẩn NTM. Thành ủy có Chương trình 02 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân". Hội đồng nhân dân (HÐND) thành phố có đề án, cấp thành phố, huyện, xã đều có kế hoạch chi tiết. Ở cấp thành phố và huyện, ngoài Ban Chỉ đạo, còn có tổ công tác với thành viên là đại diện các sở, ban, ngành, có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp các xã khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, xây dựng và xác định rõ những nội dung của từng tiêu chí. Các kế hoạch, đề án đều rõ người, rõ việc, rõ thời hạn. Thành phố tổ chức 518 lớp tập huấn cho gần 35 nghìn cán bộ từ cấp thôn đến cấp thành phố, với các nội dung chủ yếu là công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án, làm thế nào để huy động các nguồn lực... Các thành viên Ban Chỉ đạo thành phố cho biết, chưa có chương trình nào mở nhiều lớp tập huấn đến vậy, việc làm này nhằm làm thay đổi nhận thức, không coi xây dựng NTM là một "đại dự án", cứ chờ Nhà nước đầu tư. Nhận thức đúng thì hành động sẽ chuẩn.

"Thấm" những khó khăn khi các xã lên phường "trắng" quy hoạch, việc đầu tiên mà Hà Nội ráo riết triển khai là lập quy hoạch. Các xã đánh giá điều kiện đất đai, kinh tế - xã hội theo 19 tiêu chí xây dựng NTM, căn cứ quy hoạch chung của huyện và thành phố, chủ động định hướng phân khu, phân vùng, thuyết minh, vẽ bản đồ, lấy ý kiến nhân dân. Cuối năm 2012, tất cả 401 xã đã có quy hoạch, bao gồm quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết là quy hoạch khu dân cư, quy hoạch sản xuất, quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội thống nhất trên một bản đồ.

Lúc mới triển khai, tâm lý coi xây dựng NTM là việc Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dự án không phải là không có. Cán bộ hồ hởi, người dân vui mừng, nhưng lại đứng ngoài cuộc. Như tại xã Ðại Áng, huyện Thanh Trì quy hoạch đường sẽ mở rộng từ 5 đến 7 m, nhưng sau khi đầu tư cả chục tỷ đồng, cột điện vẫn... giữa đường. Ở xã Ðồng Tân (huyện Ứng Hòa), chính quyền "làm ngược", xây dựng đề án rồi mới họp dân, người dân bức xúc: Giờ thì còn bàn gì nữa?... Nhưng Ban Chỉ đạo thành phố sát sao, thường xuyên làm việc trực tiếp với từng xã, huyện, cho nên những vướng mắc như thế được tháo gỡ kịp thời. Ban Chỉ đạo thành phố giao ban hằng tháng với các sở, ngành, UBND các huyện. Nhiều đồng chí cán bộ ở các xã nhận xét: Lãnh đạo thành phố "bám" cơ sở như thế, cho nên chúng tôi yên tâm, có khúc mắc là phản ánh ngay. Làm chưa đúng, cũng bị phê bình gay gắt lắm, nhưng vì việc chung nên rồi lại "chạy" nhanh hơn.

"Ðảng viên đi trước", làm tốt những việc khó

Xuyên suốt và nổi bật trong những câu chuyện về xây dựng NTM ở Thủ đô là tinh thần "đảng viên đi trước". Xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm) có hủ tục là các đám tang có tổ chức ăn uống, cỗ càng to càng được "tiếng". Khi xây dựng NTM, đồng chí Bùi Trung Sử, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Thượng, Trưởng tiểu ban quản lý xây dựng NTM "nung nấu" quyết tâm xóa bỏ hủ tục này. Chi bộ họp, có kế hoạch, bàn bạc và thống nhất xác định: Ðây là việc rất khó, tất cả đảng viên phải quyết tâm cao mới có thể làm được. Thôn tổ chức họp dân, ý nọ lời kia, rất sôi nổi. Mọi người đều thấy, nếu không xóa được hủ tục, chẳng bao giờ xây dựng được NTM, nhưng ai cũng lo, là xóa thế nào? Cuộc họp quyết định được hai việc: Gia đình có người thân qua đời chỉ tổ chức ăn uống trong nội bộ; Mọi người khi đi phúng viếng, không ăn cỗ. Ðồng chí Sử kể lại, đám tang đầu tiên, khi 11 người trong "tổ công tác đặc biệt" đến, gia đình đã có 100 con gà ở giữa sân, bát đũa, bàn ghế đã sẵn sàng. Trao đổi, thuyết phục, cởi mở và nghiêm túc, gia đình đồng ý thịt bốn con gà, 96 con trả lại người bán. Nhưng đám tang thứ hai, người qua đời là trưởng một dòng họ lớn trong thôn. Gia đình chuẩn bị 120 lít rượu, dùng cho 240 mâm cỗ, với lý do: "Giảm ăn uống cũng phải từ từ". Ban lễ tang kiên trì vận động từng người. Cuối cùng trong suốt thời gian đám tang, gia đình chỉ dùng hết 30 lít rượu và không có cán bộ, đảng viên nào ở lại ăn cỗ. Sau đám tang này, 70% số người dân trong thôn ủng hộ việc tang văn minh, 25% không có ý kiến và chỉ còn 5% phản đối. Cứ bền bỉ tuyên truyền, thuyết phục, một đám, hai đám, thêm nhiều đám tang khác thực hiện theo chủ trương của thôn. Bây giờ thì cả thôn Hạ, thôn Trung cũng đã thực hiện việc tang văn minh như thôn Thượng...

Nông dân xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (Hà Nội) trồng bưởi Diễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dồn điền, đổi thửa là việc khó, càng khó hơn khi ở Thủ đô, dẫu có là ngoại thành thì "tấc đất" vẫn là "tấc vàng". Thành phố xác định, dù không phải là tiêu chí trong xây dựng NTM, nhưng dồn điền, đổi thửa là vấn đề quan trọng để tổ chức sản xuất lớn, nâng cao thu nhập của người nông dân. Nếu không dồn điền, đổi thửa thì xây dựng NTM chỉ là chuyện đường rộng, nhà lớn mà thôi. Vẫn là bài học thuận lòng dân, nhưng cán bộ càng phải tâm huyết và dám "đứng mũi chịu sào". Bí thư Chi bộ thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ) Trần Quang Huy cho biết: Thấy cán bộ kiên trì, gương mẫu, mọi việc làm đều "chí công, vô tư", cho nên người dân dần đồng thuận, thôn An Vọng là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ hoàn thành dồn điền, đổi thửa. Cùng chung nhận xét, dồn điền, đổi thửa là việc khó nhất trong xây dựng NTM, Bí thư Chi bộ thôn Minh Nghĩa, xã Ðại Ðồng (huyện Thạch Thất) Khuất Duy Tâm cho biết: Cái được lớn nhất là sự đồng thuận cao, sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa người dân tự nguyện đóng góp hơn 800 triệu đồng, hàng nghìn mét vuông đất, rồi mỗi gia đình từ 10 đến 15 ngày công... Thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) lại kiên trì phương châm "ba không, hai có": Không nóng vội, chủ quan; không chạy theo thành tích; không trông chờ ỷ lại cấp trên; có đội ngũ cán bộ vững tin; có phương pháp tổ chức chặt chẽ, khoa học, sáng tạo...

Giờ thì dồn điền, đổi thửa đã thành phong trào lớn, thành phố đã thực hiện xong và giao cho các hộ gia đình được hơn 41 nghìn ha, đạt hơn 52% diện tích cần dồn điền, đổi thửa. Trong đó, huyện Mỹ Ðức có 6.243 nghìn ha, đạt 83%, huyện Chương Mỹ có gần 8.000 ha, đạt 76%, huyện Sóc Sơn có hơn 8.000 ha, đạt 70%... Có "ruộng liền thửa", nhiều chương trình, đề án phát triển sản xuất được triển khai trôi chảy. Có 34 vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại 11 huyện, với diện tích 10.670 ha, 71.048 hộ nông dân tham gia. Các mô hình trồng hoa tại Mê Linh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Ðan Phượng... với diện tích hơn 3.650 ha, thu nhập cao gấp năm đến bảy lần so với trước. Có 6.320 lượt hộ nông dân trồng, thâm canh cây ăn quả, với thu nhập có vùng đạt tới một tỷ đồng/ha. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn ngoại thành đã đạt 23,712 triệu đồng/người/năm (năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm) và có 130 xã đạt tiêu chí NTM về thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn 4,08%.

Xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực

"Xóa" tư duy xây dựng NTM là những dự án lớn, phải có nhiều tiền, ngay từ khi xây dựng các quy hoạch, đề án, đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố kiên quyết yêu cầu các địa phương chủ động "nhập cuộc"... Trong xây dựng hạ tầng, chú ý làm trước đường, kênh mương, đường điện. Nhà trẻ, trường mẫu giáo tập trung sửa chữa lại chứ không đập đi xây mới. Nhà văn hóa, chợ, trụ sở làm việc được sửa chữa, xây dựng sau cùng. Nhờ vậy, tính chung toàn thành phố, đến nay có 401 trong tổng số 401 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự; 373 xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; 343 xã đạt tiêu chí về giáo dục; 239 xã đạt tiêu chí văn hóa; 188 xã đạt tiêu chí môi trường, 361 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư.

Xã Song Phượng (huyện Ðan Phượng) huy động hơn 71 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi. Người dân xã Mai Ðình (huyện Sóc Sơn) đóng góp hơn 7.000 m2 đất, tạo mặt bằng để xã mở đường. Xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) huy động được hơn 14 tỷ đồng. Tại huyện Ba Vì, người dân xã Cổ Ðô cũng đóng góp hơn 23 tỷ đồng. Bác Nguyễn Quang Nhã, xã viên đội 1, xã Phùng Xá (huyện Mỹ Ðức), người đã hiến 160 m2 đất thổ cư để xây kè sông Ðáy, vui vẻ cho biết: Ý Ðảng lòng dân thống nhất, chúng tôi hiểu rõ chủ trương xây dựng NTM là vì ai. Cùng với bác Nhã, hàng trăm người dân xã Phùng Xá đã đóng góp gần năm tỷ đồng và hiến 3.600 m2 đất. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Huyện đã hoàn thành việc kiên cố hóa đường làng, ngõ xóm, với 1.186 đoạn đường, tổng chiều dài 120 km, trong đó Nhà nước đầu tư 50 tỷ đồng, người dân đóng góp 70 tỷ đồng. Ðến nay, tổng kinh phí đã huy động cho xây dựng NTM ở Hà Nội là hơn 9.796 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chi 2.588 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 4.325 tỷ đồng, ngân sách cấp xã 372 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp hơn 1.139 tỷ đồng, trong đó có 225 hộ gia đình đóng góp từ 150 triệu đồng đến sáu tỷ đồng (chưa kể hàng nghìn mét vuông đất và hàng chục nghìn ngày công). Nguồn huy động từ các doanh nghiệp và các nguồn khác là 1.370 tỷ đồng.

Hà Nội đã có 48 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2015, có hơn 160 xã đạt tiêu chí NTM, Hà Nội đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Theo đồng chí Nguyễn Công Soái, đó là vướng mắc về thủ tục đấu giá diện tích đất xen kẹt tạo vốn xây dựng NTM. Dù là ở Thủ đô, nhưng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hạn chế, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các "nhà" trong tiêu thụ nông sản. Ðội ngũ cán bộ có nơi vẫn còn ngại khó, thiếu tâm huyết, cho nên phong trào chưa đều... Thế nên, sự sáng tạo trong khơi dậy sức dân và hội tụ lòng dân ở những "điểm sáng", càng trở thành kinh nghiệm quý, cần được nhân rộng.

 

 

NAM BẮC
theo nhandan