Sáp nhập để dồn sức xây dựng nông thôn mới
- Chủ nhật - 05/02/2017 20:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phụ nữ xã Phú Bình, huyện Tân Phú trồng cỏ đậu phộng làm đẹp các tuyến đường nông thôn mới của xã. |
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Tân Phú Phan Sương cho biết hiện nay Tân Phú có 145 ấp, khu phố với gần 40 ngàn hộ dân. Tuy nhiên, nhiều ấp chỉ có vài chục hộ, như: ấp 7 xã Đắc Lua có 37 hộ; ấp 9 xã Đắc Lua có 52 hộ; ấp 4 xã Nam Cát Tiên có 73 hộ…
Tinh gọn bộ máy
Theo quy định, một ấp được cấp kinh phí hoạt động khoảng hơn 9 triệu đồng/tháng. Như vậy, ấp có vài chục hộ hay ấp có vài trăm hộ thì kinh phí cấp đều như nhau, trong khi ấp có vài trăm hộ, kinh phí hoạt động sẽ cần nhiều hơn, đội ngũ cán bộ ấp, khu phố hoạt động vất vả hơn. Bên cạnh đó, ấp, khu phố quá nhiều đã tạo ra bộ máy hành chính công cồng kềnh cho huyện. Đồng thời, số lượng ấp, khu phố nhiều thì việc đầu tư kinh phí mỗi năm cho ấp, khu phố rất lớn, không phù hợp với một huyện còn nghèo như Tân Phú. Ngoài ra, các ấp có quy mô càng nhỏ thì hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế và các mặt đời sống xã hội thấp…
Trước tình hình này, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Phú nhận định sáp nhập ấp là điều cần thiết để mang lại hiệu quả về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội tại địa phương. Việc sáp nhập ấp, khu phố còn tạo điều kiện thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện đầu tư tập trung, như: thủy lợi, điện sản xuất…
Việc sáp nhập nhiều ấp có ít hộ dân vào thành một ấp sẽ giúp cho bộ máy hành chính cơ sở tinh gọn hơn, giảm bớt số lượng cán bộ quản lý ấp, khu phố, đồng thời giảm chi ngân sách Nhà nước cho việc trả lương và sinh hoạt phí hàng tháng của cán bộ ấp, khu phố, góp phần tiết kiệm ngân sách và có thể hướng tới việc tăng lương, tăng phụ cấp cho cán bộ đang làm việc ở các ấp, khu phố có đông dân.
Việc sáp nhập ấp, khu phố còn giúp công tác quản lý cán bộ được dễ dàng hơn, tập trung hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý thực hiện các nhiệm vụ tại các ấp, khu phố, giúp quá trình thực hiện công việc hiệu quả hơn, thời gian triển khai thực hiện nhanh, kịp thời hơn. Sáp nhập ấp, khu phố cũng giúp Tân Phú tập trung được nguồn để phát triển Đảng, đủ số đảng viên thành lập chi ủy ấp, khu phố theo nghị quyết Tỉnh ủy dễ dàng hơn.
Bớt đầu tư dàn trải
Theo tính toán bước đầu, Tân Phú có 2 phương án cho việc sáp nhập ấp, khu phố trên địa bàn huyện. Trong đó, phương án 1: thực hiện theo quy hoạch các điểm dân cư đã quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới của huyện, gồm 87 cụm dân cư, nhưng phương án này sẽ tạo ra xáo trộn lớn ở các ấp, khu phố; phương án 2: sáp nhập các ấp, khu phố có dưới 200 hộ dân vào các ấp liền kề, để toàn huyện sẽ còn 92 ấp, khu phố. Với phương án này sẽ ít xáo trộn.
Nếu thực hiện theo phương án 2, mỗi năm huyện Tân Phú sẽ tiết kiệm được gần 6 tỷ đồng trong việc chi kinh phí hoạt động cho các ấp, khu phố. Song song đó, sẽ giảm bớt đầu tư kinh phí cho thực hiện các công trình công cộng ở các ấp, khu phố, giúp quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tân Phú được tập trung và nhanh hơn.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc cho hay, hiện nay nhiều địa phương xin tách ấp, khu phố nhưng chỉ riêng huyện Tân Phú lại xin nhập. Đây là một chủ trương đúng, dám nghĩ dám làm và đi đầu trong việc tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách lớn và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho huyện.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc lưu ý trong quá trình thực hiện việc sáp nhập ấp, khu phố như đề xuất của huyện cũng cần chú ý đến truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, không làm xáo trộn đời sống bà con; thường xuyên nắm bắt tâm tư của bà con trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập ấp, khu phố để thật sự tạo được đồng thuận trong dân. |
Theo Phương Hằng/ Báo Đồng Nai