Sắp tới giá điện có thế tăng tới 10%

Sắp tới giá điện có thế tăng tới 10%
Các yếu tố đầu váo cấu thành giá điện đang tăng giá, vì thế EVN đang xem xét tăng giá điện từ 5 - 10% trong thời gian tới.

Theo EVN, ba yếu tố đầu vào cấu thành giá điện đều tăng giá trong thời gian qua. Cụ thể, tới đầu tháng 5 tỷ giá biến động tăng khoảng 0,6%, giá nhiên liệu tăng nhiều (khí tăng 10,4%, dầu FO tăng hơn 40%, than giảm 0,3%), sản lượng điện phát thủy điện giảm 6,7% nhiệt điện chạy dầu giảm giảm 97,3% nhưng nhiệt điện khí lại tăng 7,5%. Tính chung những yếu tố này đã tác động làm giá điện tăng 3,29% tương đương 42,95 đồng/kwh.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - cục trưởng Cục Quản lý giá còn cho biết thêm, ngành điện còn những khoản chi phí "treo" lại chưa tính vào giá thành điện. Cụ thể, các khoản "treo" từ chênh lệch tỷ giá đến ngày 31/12/2010 chưa phân bổ trong giá điện là 15.463 tỷ đồng và chênh lệch do mua điện giá cao trong năm 2010 (có thể hiểu là khoản lỗ 2010) lên tới 8.040 tỷ đồng. Do đó, giá điện sắp tới sẽ phải xử lý.

"Tất nhiên không thể một lúc phân bổ hết số chênh lệch này vào giá điện mà sẽ phải phân bổ dàn trải để tránh gây "sốc" giá, đảm bảo giá điện dần đi theo hoạch toán cơ chế thị trường, phù hợp với sức chịu đựng của DN sử dụng điện và người dân" - ông Thỏa nói.
 

Ảnh minh họa

Trong khi đó theo nguồn tin riêng của PL.TP.HCM, hiện EVN đã trình lên Bộ Công Thương ba phương án tăng giá điện. Thứ nhất, tăng giá điện dưới 5%; thứ hai, tăng giá điện 10%; thứ ba, tăng giá điện trong khoảng 5%-10%. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết hiện đơn vị này chưa nhận được bất cứ đề xuất nào từ EVN.

“Việc điều chỉnh giá điện hay không sẽ được liên bộ Tài chính - Công Thương tính toán, cân nhắc dựa trên mục tiêu đưa giá điện vận hành theo thị trường nhưng đảm bảo kiềm chế lạm phát” - vị lãnh đạo này nói.


Theo quy định tại Quyết định 24 của Chính phủ về điều hành giá điện, trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản nhỏ hơn 5% so với giá bán hiện hành, EVN tính toán phân bổ vào giá bán điện bình quân chi phí sản xuất, kinh doanh chưa được tính hết vào giá bán điện để điều chỉnh giá bán bình quân tối đa 5%, sau khi báo cáo Bộ Công Thương. Như vậy với việc thông số đầu vào làm tăng giá điện khoảng 3,3% mà Cục Quản lý Giá đưa ra thì việc tăng giá điện chỉ là vấn đề thời gian.


Mới đây, Công ty nước sạch Hà Nội cũng đang "rục rịch" đòi tăng giá lên 30-35 % vì cho rằng các chi phí đầu vào đang tăng và mức giá hiện tại khiến công ty nước đang lỗ nặng, phải cắt giảm lương của công nhân.