Sau 5 năm triển khai Luật Dạy nghề: Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường

Ngay sau khi Luật Dạy nghề có hiệu lực, một số lượng khá lớn văn bản (142 văn bản) đã được ban hành nhưng phần lớn các quy định mang tính nguyên tắc chung nên đã hạn chế hiệu quả thi hành Luật Dạy nghề trong thực tế.
Kỹ năng nghề của học sinh tốt nghiệp các cơ sở dạy nghề đã được nâng lên
Chưa thiết lập được mối liên kết giữa DN và NLĐ
 
Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Luật dạy nghề do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB & XH) tổ chức sáng 20-8, tại Hải Phòng, theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, sau 5 năm thi hành Luật dạy nghề, mạng lưới các cơ sở dạy nghề được phát triển theo quy hoạch rộng khắp trên toàn quốc, đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình thức đào tạo; Các cơ sở dạy nghề đã mở thêm nhiều nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu; Kỹ năng nghề của học sinh tốt nghiệp các cơ sở dạy nghề đã được nâng lên. Theo đó, có 80-85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo; 30% có kỹ năng nghề từ khá trở lên; khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở nghề tỷ lệ này đạt trên 90%... Thế nhưng, chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Đáng lo ngại cơ cấu đào tạo nghề và trình độ đào tạo chưa hợp lý, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, địa phương.
 
Nguyên nhân, theo Tổng cục Dạy nghề, mặc dù Luật Dạy nghề đã được phổ biến rộng rãi nhưng hiện nay ở một số địa phương Luật Dạy nghề chưa được chú trọng dẫn tới thực trạng lúng túng khi triển khai ở nhiều địa phương. Đặc biệt, Luật Dạy nghề quy định nhiều vấn đề mới trong đào tạo cũng như dạy nghề, trong đó có nhiều nội dung phức tạp cần phải có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm sau đó mới hướng dẫn áp dụng rộng rãi, ví dụ như vấn đề tiêu chuẩn kỹ năng nghề và kiểm định chất lượng dạy nghề…Tuy nhiên, khi Luật Dạy nghề có hiệu thi hành, đòi hỏi phải có ngay các văn bản hướng dẫn thực hiện. Chính điều này đã tạo ra sức ép về tiến độ thời gian soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn, do đó, nhiều văn bản đã không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
 
Bổ sung chính sách đối với người học nghề
 
Tại hội nghị, ý kiến nhiều địa phương cho rằng, một số quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập so với thực tiễn dạy nghề. Theo đại diện UBND tỉnh Nghệ An, sau 5 năm Luật Dạy nghề được triển khai đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hệ thống dạy nghề, tác động tích cực đến công tác quy hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề, tạo động lực thúc đẩy hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc do chính cơ chế. Điển hình như, theo Điều 58 Luật Dạy nghề quy định giáo viên dạy nghề phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm, quy định này quá "khắt khe” vì thực tế cho thấy phương pháp cũng như nghiệp vụ dạy nghề khác hoàn toàn so với đào tạo giáo dục phổ thông, cao đẳng và đại học. Đặc thù của dạy nghề là tỷ lệ thời gian thực hành chiếm đa số, nhưng Luật dạy nghề không yêu cầu giáo viên phải có một số năm kinh nghiệm nhất định hoặc phải có bậc trình độ kỹ năng nghề nhất định khi tiến hành giảng dạy nghề. Do đó, để thu hút người dân học nghề cần phải đổi mới và sửa đổi Luật Dạy nghề cho phù hợp.
 
Theo đại diện Tổng cục Dạy nghề, việc sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề rất cần thiết, nhất là hiện nay Việt Nam không còn lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ như trước. Để thu hút NLĐ học nghề cần bổ sung, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách học nghề đặc thù, mũi nhọn. Bên cạnh đó, phải đảm bảo việc làm bền vững "hậu” dạy nghề cho NLĐ. Để làm được điều này cần bổ sung quy định về liên kết dạy nghề giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Theo Daidoanket