Sau NTM là nông thôn tiên tiến

Sau NTM là nông thôn tiên tiến
Là địa phương đi đầu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) không chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mà trong cả nước nên không có gì khó hiểu khi huyện Đông Triều được chọn để xây dựng điểm mô hình nông thôn tiên tiến.

 

 

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm nông thôn tiên tiến tại đền An Sinh - xã An Sinh.

Dù còn mới mẻ nhưng mô hình này đang bắt đầu được triển khai tại 3 xã đã về đích NTM là Bình Khê, Việt Dân và An Sinh. Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Tiến Thiệu, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Triều về vấn đề này. Ông Thiệu cho biết:

Đông Triều là huyện cửa ngõ phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, có 19 xã và 2 thị trấn, diện tích tự nhiên 397,2km2, dân số trên 17 vạn người. Khi bắt tay triển khai thực hiện Chương trình XDNTM  (năm 2011), qua rà soát, đánh giá khi đó chưa có xã nào đạt chuẩn 19 tiêu chí. Đến nay, sau 4 năm triển khai, huyện đã có 17/19 xã đạt chuẩn NTM và Đông Triều cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM.

Không chỉ có các xã NTM, ở Đông Triều còn có các thôn NTM với những thay đổi toàn diện. Có được kết quả này là nhờ Đông Triều tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để cấp xã cũng như người dân, chủ thể chính của chương trình hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình với chủ trương: "Tuyên truyền rộng, vận động sâu, cán bộ đi đầu, nhân dân hưởng ứng".

Khi triển khai chương trình XDNTM, Đông Triều ưu tiên nguồn lực cho phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, đổi mới tổ chức sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Đồng thời tăng cường liên kết "4 nhà", đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân. Thành lập Ban điều hành chương trình: "Mỗi xã, phường một sản phẩm" của huyện và xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai dựa trên thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương.

Từ hiệu quả trong XDNTM, Đông Triều được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để xây dựng mô hình nông thôn tiên tiến (NTTT) tại 3 xã Bình Khê, Việt Dân và An Sinh. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của mô hình này?

 NTTT được xây dựng trên nền tảng NTM nhưng ở mức độ cao hơn, mở rộng hơn ở một số tiêu chí. Về tương lai của NTTT, các xã thực hiện sẽ có dáng dấp như một đô thị khi có những điểm văn hóa tập trung, có nền sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết "4 nhà" tạo thành chuỗi sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ hỗ trợ cho ngành du lịch thông qua các mặt hàng nông sản, giúp đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn.

 Mô hình NTTT dựa trên nền tảng 19 tiêu chí NTM nhằm tạo ra những bước đột phá để cải thiện chất lượng môi trường nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp và phát triển kinh tế. Tại cuộc tọa đàm về mô hình NTTT, Chủ tịch UBND huyện Đông Triều Vũ Văn Học nhấn mạnh: Mô hình NTTT là luồng gió mới có thể giúp Đông Triều phát triển bền vững. Đây cũng là hướng chuyển đổi nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh", vừa phát triển mô hình sản xuất, vừa phát triển du lịch, giúp người dân no ấm hơn. Chúng tôi quyết tâm từng bước chỉ đạo và cụ thể hóa chương trình này, huyện cam kết sẽ chuyển tải tinh thần đến từng người dân, để bà con cùng chung tay thực hiện đạt hiệu quả cao.

Theo ông, lợi ích của mô hình NTTT đem lại cho địa phương và người dân là gì?

Để triển khai mô hình này, Tập đoàn My Way dự kiến hỗ trợ 3 xã 15 tỷ đồng, trong đó 10 tỷ đồng dành cho quy hoạch, 5 tỷ đồng cho tuyên truyền và xây dựng một số công trình phúc lợi tại trung tâm các xã như: sân vận động, cổng chào… Chỉnh trang các trung tâm xã, cụm dân cư để xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn hiện đại và tạo ra vùng sản xuất. Người dân sẽ được hưởng thụ, góp phần tạo thêm việc làm, từ đó tăng thu nhập. Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách để cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực này. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ được định hướng là đầu mối để tiêu thụ nông sản, xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất đến thị trường. Qua đó sẽ định hướng cho nông dân để sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn đưa nông sản vào kênh phân phối của doanh nghiệp. Cùng với đó phải có một lộ trình cụ thể, huy động nhiều nguồn lực, có sự vào cuộc của tất cả các bên. Để chương trình thành công phải có sự đồng thuận từ phía người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi cho rằng, mô hình NTTT sẽ tạo ra bước đột phá cho các địa phương trên địa bàn huyện.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Nguyễn Sơn (Thực hiện)
Theo kinhtenongthon.com.vn