Sáu chương trình trọng điểm của Đồng Tháp khó đạt kế hoạch

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để hoàn thành 6 chương trình trọng điểm năm 2012, sáng nay (27/9), UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị Kiểm điểm thực hiện 6 chương trình trọng điểm và kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2012.

 

 
Giao thông chậm tiến độ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong 9 tháng của năm 2012, việc thực hiện 6 chương trình trọng điểm và vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung còn khá chậm so với kế hoạch đề ra. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2012 đã giao trên 2.200 tỷ đồng cho 139 công trình, dự án. Tính đến cuối tháng 8 năm 2012 đã giải ngân 1.016 tỷ đồng, đạt hơn 46% kế hoạch cả năm. Trong 47 chủ đầu tư, có 7 đơn vị giải ngân đạt trên 70-100% vốn được giao. Một số chương trình như: các công trình giao thông trọng điểm, về xây dựng cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2, nguyên nhân chậm đều do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều vướng mắc hoặc phải giãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, việc hoàn thành xét duyệt danh sách bố trí dân và theo dõi sát tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm, tuyến dân cư còn nhiều vướng mắc. Tình trạng nhiều hộ dân đã được xét duyệt nền nhưng chưa xây dựng nhà, chưa vào ở hoặc mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn vẫn còn tồn tại. Hiện còn 4 cụm, tuyến dân cư chưa hoàn thành và 2 cụm, tuyến có khả năng không hoàn thành trong năm 2012.

 

Quy hoạch hệ thống đê bao gắn với giao thông nông thôn và bố trí dân cư chưa triển khai thực hiện. Riêng đầu tư hệ thống đê bao bảo vệ bảo đảm sản xuất an toàn diện tích lúa thu đông trên cơ sở bố trí lịch thời vụ hợp lý cho các huyện phía Bắc, đê bao bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái ở huyện Cao Lãnh và các huyện phía Nam cơ bản đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

 

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, theo ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu chậm hoàn thành là do thiếu kinh phí. Các xã đăng ký chỉ tiêu đạt thêm tiêu chí nông thôn mới nhưng đến thời điểm này chưa có xã nào đạt là do một số tiêu chí đó rất khó hoàn thành như các tiêu chí giao thông, trường học, nhà ở, thu nhập,... Công tác lập quy hoạch, đề án còn chậm là do các đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch của nhiều xã cùng lúc nên không đạt tiến độ theo yêu cầu.

 

Chương trình thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa điện tử trong thời gian qua đã giúp rút ngắn được thời gian giao nhận hồ sơ giữa các phòng ban chuyên môn, nâng cao năng suất làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; lãnh đạo theo dõi được tiến độ giải quyết hồ sơ của chuyên viên thông qua website tổng hợp; minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp,... Tuy nhiên, việc ứng dụng phần mềm “một cửa điện tử” vẫn còn khó khăn, do hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ phận tham gia ứng dụng phần mềm chưa đồng bộ; người dân chưa có thói quen tra cứu thông tin qua các phương tiện điện tử.

 

Về thực hiện văn hóa giao thông và ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông qua 9 tháng triển khai thực hiện kế hoạch số 07, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông được nâng lên đáng kể; tai nạn giao thông đường bộ giảm trên cả 3 mặt số vụ, số người chết và người bị thương.

 

Phát biểu chỉ đại tại Hội nghị, ông Lê Minh Hoan – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần quan tâm sâu sát hơn nữa tình hình phát triển kinh tế, xã hội cũng như tích cực chỉ đạo cấp cơ sở thực hiện các chương trình trọng điểm mà địa phương mình phụ trách, cần có những buổi tiếp xúc dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân để giảm bớt được tình trạng đơn thư khiếu nại tồn đọng và kéo dài (chương trình trọng điểm thứ 5). Đối với việc giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng, các địa phương không nên khoán trắng cho các đơn vị đền bù mà phải thường xuyên kiểm tra việc này để tránh những thiếu xót và kịp thời giải quyết những vướng mắc.

 

Trong kế hoạch năm 2013 sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh, cần tổ chức sản xuất lại ngành nông nghiệp của tỉnh, sản xuất phải gắn với tiêu thụ, phải mang tính hợp tác. Hiện, đã có một số doanh nghiệp lớn đã đến đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh như công ty BVTV An Giang, công ty Võ Thị Thu Hà,... đây là dấu hiệu đáng mừng và các địa phương cần phải nắm bắt.

 

Nguyệt Ánh

 

Ngày 27/9/2012 - Theo docbao.vn