Sau đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo: Thị trường lúa gạo lại sôi động

Sau đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo: Thị trường lúa gạo lại sôi động
Ngay sau thông tin, liên ngành do Bộ Công thương chủ trì đã đề xuất Thủ tướng cho tiếp tục xuất khẩu gạo có kiểm soát, theo nguồn tin PV Dân Việt nắm được, giá lúa gạo đã sôi động trở lại để phản ứng với thông tin trên.

Đến đầu tuần nay, Bộ Công thương đã chính thức có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, đánh giá về tình hình sản xuất, tồn kho gạo trong nước, kiến nghị phương án xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

 sau de xuat tiep tuc xuat khau gao: thi truong lua gao lai soi dong hinh anh 1

Hiện các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang... đã thu hoạch gần xong lúa đông xuân

Theo đó, Bộ Công thương đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4, tháng 5/2020.

Nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4, tháng 5 sẽ được Tổng cục Dự trữ nhà nước mua vào 300.000 tấn gạo và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng.

Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng là 700.000 tấn. Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4, tháng 5 vào khoảng 800.000 tấn, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn.

Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo.

Trước đó, "lệnh" tạm ngưng xuất khẩu của các cơ quan chức năng trong nước đã khiến thị trường có vài ngày “chao đảo”. Giá lúa đã giảm mạnh 500 – 600 đồng/kg ngay sau khi có thông tin cấm xuất khẩu gạo vào ngày 24/4. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, giá lúa, gạo nguyên liệu lại đảo chiều tăng liên tục. Ở một số nơi, giá lúa thay đổi nhiều khiến một số thương lái không kịp cập nhật.

Anh Nguyễn Văn Thương, thương lái thu mua lúa tại Cần Thơ cho biết, thời điểm hiện tại, các tỉnh như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đã thu hoạch gần xong lúa đông xuân, chỉ một số vùng còn lúa trên đồng như tại Tứ giác Long Xuyên. Những ngày đầu tuần trước, nông dân cắt lúa nhưng thương lái không dám mua vào, giá cũng giảm mạnh từ 400 – 500 đồng/kg. Một số ghe nằm bờ chờ tín hiệu thì trường sau khi có thông tin cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, cuối tuần qua, anh Thương cùng các bạn hàng đã quay trở lại thu mua lúa cho bà con nông dân.

 sau de xuat tiep tuc xuat khau gao: thi truong lua gao lai soi dong hinh anh 2

“Lệnh” tạm ngưng xuất khẩu của cơ quan chức năng đã khiến thị trường trong nước có vài ngày chao đảo.

Tính tới sáng nay (31/3) giá lúa đã tăng từ 200 – 250 đồng/kg so với hồi cuối tuần. Cụ thể, giống Đài Thơm 8 giá 5.800 - 5.850 đồng/kg, lúa thơm RVT 6.700 - 7.000 đồng/kg, IR 50404 giá 5.000 - 5.300 đồng/kg….

Tại Sóc Trăng, các thương lái cũng đã tăng giá thu mua lúa và các ghe chạy trên sông cũng nhiều hơn. Giá OM5451, RVT, DDT8… chiều cuối ngày 30/3 cũng đã tăng 100 - 200 đồng/kg so với đầu tuần trước. Như vậy, giá lúa thời điểm hiện tại đã cao hơn so với hồi đầu vụ từ 300 – 500 đồng/kg, tùy loại.

Tại chợ gạo Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu, gạo thành phẩm cũng có nhiều biến động trong những ngày qua. Hiện giá gạo đang tăng từng ngày.

Bà Nguyễn Phúc Ánh - Giám đốc Công ty Lương thực Tấn Tài III (An Cư, Cái Bè, Tiền Giang) thông tin, giá gạo nguyên liệu, gạo thành phẩm đều đã tăng liên tục trong mấy ngày qua.

Từ tuần trước một số thương lái mua lúa đã báo là giá gạo nguyên liệu sẽ tăng, vì giá lúa đang tăng. Thị trường cũng đang tiêu thụ gạo khá mạnh nên giá gạo nguyên liệu cũng tăng theo. “Mình cứ nghĩ mua gạo nguyên liệu giá cao quá sẽ không bán ra được nhưng thực tế gạo thành phẩm vẫn đang bán rất chạy, không hề tồn kho”, bà Ánh cho biết.

Như các loại gạo giống OM4900 tuần trước có giá 11.800 đồng/kg nhưng đến nay, cơ sở của bà Ánh đã mua tăng thêm 200 đồng, lên mức 12.000 đồng. Hay như gạo IR 50404 tại kho, chưa có các chi phí bốc vác, ghe thuyền… cũng đã tăng từ 9.500  đồng/kg lên mức 10.000 đồng/kg.

 sau de xuat tiep tuc xuat khau gao: thi truong lua gao lai soi dong hinh anh 3

Sáng nay (ngày 31.3), giá lúa đã tăng từ 200 – 250 đồng/kg so với hồi đầu tuần

Điều đặc biệt, theo bà Ánh là thời điểm hiện tại, gạo IR50404 lại đang khá hút, một số ghe tìm mua nhưng không có hàng. Theo bà Ánh, gạo IR50404 hút hàng có thể do giá thấp, thị trường trong nước tiêu thụ mạnh.

Cũng tại huyện Cái Bè (Tiền Giang), gạo nguyên liệu IR 50404 đã tăng từ 7.900 đồng/kg lên 8.150 đồng/kg trưa 29/3 và tăng lên mức 8.200 đồng/kg trong chiều 30/3.

Gạo ĐT8 hàng đẹp tăng từ 8.600 đồng/kg lên 9.000 đồng trong ngày 29/3 và tiếp tục đạt mức giá 9.100 – 9.200 đồng/kg vào chiều qua 30/3. Thậm chí có nơi còn mua với giá 9.300 đồng/kg.

Gạo thơm OM 6976 nguyên liệu có giá tăng từ mức 8.200 đồng/kg lên 8400 đồng/kg. Gạo thơm OM5451 tăng từ 8.350 đồng/kg lên 8.700 - 9000 đồng/kg trong chiều 30/3, tùy nơi mua vào.

Bà Ánh cũng cho biết, gạo bán lẻ ra thị trường trong nước hiện cũng đang có xu hướng tăng nhẹ. Nguyên nhân là nhiều người tiêu dùng tập trung mua gạo để sử dụng trong những ngày hạn chế ra ngoài để chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá gạo bán lẻ trong nước sẽ không tăng nhiều, do sau vài ngày đi chợ trữ đủ gạo cho tiêu dùng trong gia đình, nhu cầu mua lẻ sẽ không còn tăng đột biến.

 sau de xuat tiep tuc xuat khau gao: thi truong lua gao lai soi dong hinh anh 4

Tình hình hiện nay giá lúa sẽ khó giảm, các thương lái vẫn đang ráo riết mua vào

Bình luận về việc giá gạo đảo chiều tăng trở lại trong vài ngày qua, đại diện một doanh nghiệp cung cấp gạo cho xuất khẩu gạo tại Tiền Giang cũng cho rằng, thị trường hiện đã trở lại tương ứng với tình hình thế giới. Nhu cầu gạo thế giới đang tăng trong khi nguồn cung hạn chế nên nhiều đầu mối dự đoán, nếu Việt Nam tiếp tục xuất khẩu, gạo sẽ có thể được giá tốt.

“Nếu Chính phủ quyết định tạm ngưng xuất khẩu, giá lúa gạo sẽ giảm. Tuy nhiên, tình hình hiện nay giá lúa sẽ khó giảm, các thương lái vẫn đang ráo riết mua vào”, vị này nhận định.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao hiện nay chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên khi có thông tin tạm dừng xuất khẩu thì giá giảm.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng gạo trong nước có tăng trong tình hình dịch Covid-19 diễn tiến phức tạp, một bộ phận người dân mua trữ gạo. Tuy nhiên, gạo sử dụng trong nước phần lớn là gạo IR50404 và các loại gạo phẩm cấp trung bình, có giá giao động từ 13.000 – 14.000 đồng/kg. Chỉ một số ít tầng lớp trung lưu “ăn” gạo thơm, gạo chất lượng cao.

“Việc xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng gạo sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong nước. Vì loại gạo tiêu thụ trong nước hiện đã không còn xuất khẩu nhiều nữa”, ông Nam nhận định.
 

Theo: Nguyễn Vy/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/sau-de-xuat-tiep-tuc-xuat-khau-gao-thi-truong-lua-gao-lai-soi-dong-1074042.html