'Sau giảm thuế, trích quỹ bình ổn sẽ tăng giá xăng dầu'

'Sau giảm thuế, trích quỹ bình ổn sẽ tăng giá xăng dầu'
Lãnh đạo Bộ Tài Chính cho biết, sau khi đã giảm thuế, trích quỹ bình ổn, nếu giá cơ sở vẫn còn cao hơn giá bán, sẽ điều chỉnh ở mức hợp lý đảm bảo quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, trong hai tháng gần đây, giá xăng dầu nhập khẩu đã tăng mức cao nhất trong nhiều năm qua, từ 2% đến 7% tùy mặt hàng; mạnh nhất là xăng thành phẩm. Điều này khiến giá cơ sở hiện tại chưa tính trích quỹ bình ổn đang cao hơn giá bán khoảng 2.000 đồng một lít. Giá bán trong nước so với các nước trong khu vực đang thấp hơn 6.000-8.000 đồng.

Về điều hành xăng dầu trong thời gian tới, Thứ trưởng Mai cho biết sẽ điều hành theo tinh thần của Nghị định 84 theo cơ chế thị trường có định hướng của Nhà nước.

Ảnh: Hoàng Hà
'Sau khi giảm thuế, trích quỹ bình ổn sẽ tăng giá xăng dầu'. Ảnh: Hoàng Hà

Cụ thể, sau khi đã giảm thuế, trích quỹ bình ổn, nếu giá cơ sở vẫn còn cao hơn giá bán, thì sẽ điều chỉnh ở mức hợp lý, đảm bảo quyền lợi giữa 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và đáp ứng được sức chịu đựng của người tiêu dùng cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Vũ Đức Đam cho biết, ngay vào lúc này, đại diện Chính phủ đang có buổi làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xung quanh vấn đề điều hành giá xăng dầu.

Trao đổi với VnExpress.net chiều tối 6/3, lãnh đạo một công ty xăng dầu tiết lộ, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp của ông đã hai lần kiến nghị tăng giá xăng dầu, nhưng chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng. Cũng theo lãnh đạo này, mức tăng giá xăng dầu ông kiến nghị là khoảng 2.500 đồng một lít, trong trường hợp không được trích quỹ bình ổn. "Nếu được trình quỹ bình ổn, thì mức tăng chỉ khoảng 1.000 đồng", ông này nói.

Với 900 đại lý xăng dầu ở cả hai miền Nam Bắc, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, nhiều đơn vị đang bị lỗ nặng. "Chúng tôi nhận được nhận được phản hồi của người dân về chuyện doanh nghiệp đóng cửa bán hàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đại lý thì các đơn vị đều phủ nhận. Hiện công ty đang xem xét, tìm hiểu", lãnh đạo này chia sẻ.

Trong 2-3 ngày gần đây, TP HCM, tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có những cây xăng nghỉ bán với nhiều lý do khác nhau như: hết xăng, tạm nghỉ sửa chữa, tạm nghỉ do nhân viên đang bận đi họp...

Trước đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, giá bán lẻ tất cả các chủng loại xăng dầu trên thị trường hiện thấp hơn so với giá thành 372 - 844 đồng một lít. Theo dõi của Liên bộ Tài chính - Công Thương cho thấy giá bình quân 30 ngày (16/1 - 14/2) so với mức tương ứng của một tháng trước đó đã tăng 3,14 - 6,57%. Cụ thể, xăng là mặt hàng tăng giá mạnh nhất khi vọt từ 116,22 USD lên 123,74 USD một thùng (xăng RON 92). Dầu hỏa, dầu diesel cũng tăng tương ứng 3,14% và 3,3%.

Tại cuộc họp báo chiều 5/3 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, giá cơ sở xăng dầu đang vượt trên giá bán lẻ hiện hành, do đó, cần có biện pháp vận hành theo cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội. Lãnh đạo này nhấn mạnh, xăng dầu tăng nhiều dẫn đến lạm phát nhưng không tăng thì doanh nghiệp bị lỗ, do đó cần lộ trình và các công cụ khác nhau để xử lý. "Cụ thể tăng tháng 3, tháng 4 hay tháng nào trong thời gian tới phải bàn trong gói kịch bản chung", ông Quyền nói.

Nhật Minh - Hoàng Lan