Sau hai năm thực hiện cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”
- Thứ năm - 07/03/2013 21:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xã Thụy Vân (TP Việt Trì) huy động nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống kênh tưới tiêu phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong năm qua nhiều đơn vị đã triển khai, phát động phong trào thi đua, có nhiều cách làm hay, sáng tạo để tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình. Điển hình như lực lượng quân đội chỉ đạo trên 540 đơn vị dân quân, tự vệ làm tốt công tác huấn luyện, huy động trên 7200 ngày công tham gia tu sửa, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, nghĩa trang liệt sỹ, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết… Mặt trận Tổ quốc đã gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới qua đó mở rộng vận động ngày “vì người nghèo”, giúp nhau xây dựng gia đình văn hóa góp phần an sinh xã hội. Đoàn thanh niên hướng vào nội dung nâng cao nhận thức cho tuổi trẻ về chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm, xây dựng công trình hạ tầng của thanh niên… Hội phụ nữ tập trung vào nội dung khai thác, sử dụng vốn vay, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình, nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ trong xã hội; Hội CCB tập vận động hội viên gương mẫu tham gia làm kinh tế, vận động gia đình, con cháu tích cực tham gia, ủng hộ chương trình. Đặc biệt, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh bằng khả năng, trách nhiệm đã phối hợp giúp địa phương nhiều hình thức thực hiện xây dựng nông thôn mới. Điển hình như Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã hỗ trợ 9 tỷ đồng giúp một số xã của huyện Tân Sơn xây 4 nhà văn hóa, 2 trường học; Công ty CP cơ khí Phương Nam giúp xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy xây một trường học; Công ty chè Khánh Linh giúp xã Minh Đài, huyện Tân Sơn làm 2 km đường; Công ty khai thác đá Cự Đồng giúp xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn làm 5 km đường…
Cùng với sự vào cuộc và vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp hai năm qua Ban chỉ đạo của tỉnh đã chỉ đạo các ngành huy động nhiều nguồn lực tích cực triển khai nội dung đào tạo nghề, phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng và phát triển văn hóa xã hội, môi trường nông thôn. Trong hai năm qua toàn tỉnh đã mở gần 200 lớp dạy nghề cho gần 8000 lượt nông dân tham gia; tập huấn bồi dưỡng kiến thức sản xuất cho trên 16,2 ngàn lượt người, qua đó nâng tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề trong nông thôn đạt trên 90%. Thông qua 4 chương trình nông nghiệp trọng điểm và 3 chương trình khuyến khích phát triển, hàng năm ngành Nông nghiệp và PTNT đã huy động khoảng 40 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ giống mới, kỹ thuật mới, cơ giới hóa… xây dựng mô hình và hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Riêng 75 xã điểm nhà nước đã đầu tư gần 43 tỷ đồng, người dân đối ứng trên 44,6 tỷ đồng xây dựng các mô hình sản xuất. 2 năm qua, chương trình đã huy động 3.000 tỷ đồng vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, trên 200 tỷ đồng vốn chương trình tín dụng và khoảng 10.500 tỷ đồng vốn tín dụng, gần 200 tỷ đồng vốn đóng góp của người dân để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Kết quả, hết năm 2012 đã có 100% số xã hoàn thành, phê duyệt xong quy hoạch, kế hoạch tạo tiền đề để huy động nhiều nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay có 6 xã cơ bản đạt từ 15-16 tiêu chí, tăng 4 xã so với năm 2011; 47 xã đạt 10-14 tiêu chí tăng 10 xã; 71 xã đạt 7-9 tiêu chí, giảm 5 xã; 123 xã đạt dưới 7 tiêu chí, giảm 9 xã so với năm 2011. So với bình quân chung cả nước Phú Thọ là tỉnh có số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới cao hơn, như 15-16 tiêu chí chiếm 2,4% số xã, trong khi đó bình quân cả nước là 1,2%; diện10-14 tiêu chí chiếm 19% (bình quân cả nước 15,6%); trong khi cả nước còn 82,5% số xã đạt dưới 7 tiêu chí thì Phú Thọ chỉ là 49,8%... Sau 2 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới ngày càng tăng tạo đà để toàn tỉnh phấn đấu hết năm 2015 có 57 xã cơ bản đạt các tiêu chí xã nông thôn mới. Tuy nhiên qua 2 năm thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế: Hoạt động của một số ban chỉ đạo hiệu quả chưa cao, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ. Điều này thể hiện ở việc lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch, đề án còn sơ lược, tính khả thi thấp, chưa biết chọn nội dung, chọn việc để triển khai, chỉ đạo; có địa phương quá coi trọng việc đầu tư xây dựng hạ tầng, ít chú trọng phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội, môi trường; một số nơi có tư tưởng dựa dẫm, trông đợi vào đầu tư của Nhà nước, thiếu giải pháp huy động các nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Năm 2013 mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn chủ trương tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, song trọng điểm ưu tiên là trên 10 xã điểm để đạt tối thiểu từ 15 tiêu chí trở lên; rà soát, hoàn chỉnh và công bố công khai quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới của các xã; phấn đấu có 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, cấp thôn và 50% số cán bộ còn lại thuộc ban chỉ đạo, ban quản lý dự án được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu; nâng cao một bước phát triển sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao tăng thu nhập gắn với đẩy mạnh hoạt động văn hóa, xã hội, môi trường để nâng tầm xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên chương trình tập trung triển khai 5 giải pháp cơ bản gồm: Tiếp tục quán triệt sâu, rộng chủ trương, nội dung xây dựng nông thôn mới đến các cán bộ, nhân dân và tăng cường sự chỉ đạo, vào cuộc của hệ thống chính trị với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn xã hội hiểu rõ, nắm vững chủ trương tham gia, hưởng ứng tích cực; các huyện, thành, thị tiến hành phân loại số xã qua đó xác định rõ lộ trình, mục tiêu từng năm, từng giai đoạn của mỗi xã, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình dự án khác để tiến hành đồng bộ, đồng loạt ở các địa phương khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại; tăng cường hoạt động xã hội hóa để huy động, vận động nhiều thành phần, đối tượng, nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo đầu tư vừa phát huy tính chủ động của cơ sở, vừa khắc phục tình trạng khoán trắng tạo động lực đồng bộ thúc đẩy để chương trình tạo chuyển biến mới. Có như vậy mới đạt mục tiêu số xã đạt tiêu chí NTM đã đề ra đến năm 2015 và là cơ sở đề ra mục tiêu nhiệm vụ xây dựng NTM những năm tiếp theo.
Quốc Vượng
Nguồn:Baophutho.vn