Sầu riêng - Cây làm giàu cho nông dân Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang được xem là "vương quốc" trái cây Đồng bằng sông Cửu Long bởi nhiều yếu tố như diện tích vườn cây ăn quả rất lớn, nhiều giống đặc sản nổi tiếng, có những chính sách và bước đi thích hợp nhằm phát huy thế mạnh kinh tế quan trọng này trong công cuộc đổi mới và hội nhập.
Sầu riêng - Cây làm giàu cho nông dân Tiền Giang
Tiền Giang xác định bảy chủng loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh gồm dứa, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, bưởi da xanh, thanh long Chợ Gạo, sơri Gò Công và sầu riêng Ngũ Hiệp. Trong đó, cây sầu riêng Ngũ Hiệp trong chừng chục năm trở lại đây thực sự lên ngôi, trở thành cây làm giàu cho nông dân.

Cây sầu riêng "lên ngôi"

Theo Cục Thống kê Tiền Giang, năm 2000, toàn tỉnh chỉ có 1.156 ha sầu riêng với sản lượng thu hoạch chưa đầy chục ngàn tấn thì sau hơn 10 năm, năm 2011 diện tích sầu riêng đã tăng gần gấp sáu lần với 6.389ha và sản lượng tăng lên gấp 10 lần với trên 97.000 tấn sầu riêng thương phẩm.

Nếu tính bình quân giá sầu riêng là 20.000 đồng/kg lúc chính vụ, nguồn lợi từ cây sầu riêng mang lại cho nông dân lên đến vài ngàn tỷ đồng. Đây chính là cây trồng có sức tăng trưởng về diện tích, về sản lượng và trình độ thâm canh mạnh mẽ nhất tại địa phương thời gian gần đây.

Sầu riêng đã có mặt trên đất Nam Bộ nói chung và Cai Lậy, Tiền Giang nói riêng từ rất lâu đời. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, loại cây này chưa trở thành hàng hóa. Nông dân trồng trong vườn nhà mỗi hộ dăm cây, chủ yếu để ăn. Những năm 80 của thế kỷ trước, ông Hai Tôn trên đất cù lao Ngũ Hiệp phát hiện giống sầu riêng khổ qua xanh, khổ qua vàng có năng suất rất cao nên đã đầu tư trồng thành vườn chuyên canh.

Với năng suất 20-30 tấn/ha, giá bán trên thị trường luôn cao, sầu riêng chuyên canh cho hiệu quả gấp 3-4 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ cây trồng này, ông đã trở thành một triệu phú có tiếng ở miệt vườn Ngũ Hiệp. Không những làm giàu cho mình, ông Hai Tôn còn mở ra bước ngoặt mới cho cây sầu riêng. Rất nhiều nông dân theo gương ông Hai Tôn ở Ngũ Hiệp đã tích cực chuyển đổi sản xuất sang chuyên canh sầu riêng và đều thành công.

Cũng giống như một số cây trồng đặc hữu khác, phạm vi phân bố của cây sầu riêng tại Tiền Giang chủ yếu phía nam Quốc lộ 1 thuộc huyện Cai Lậy mà cái nôi là Ngũ Hiệp - một xã cù lao nằm trên sông Tiền. Đây cũng là nơi được công nhận chỉ dẫn địa lý cho cây sầu riêng Tiền Giang nói chung và Cai Lậy nói riêng dưới tên gọi “Sầu riêng Ngũ Hiệp”.

Từ cái nôi này, diện tích sầu riêng chẳng mấy chốc lan nhanh khắp các xã vùng căn cứ kháng chiến của huyện Cai Lậy như Tam Bình, Hội Xuân, Long Trung, Long Tiên, Long Khánh, Cẩm Sơn. Nhờ cây trồng đặc hữu, chỉ sau thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, diện mạo nông nghiệp-nông thôn-nông dân thay đổi sâu sắc, ngày càng thịnh vượng.

Hiện nay, khu vực trên đã trở thành vùng trồng chuyên canh sầu riêng với diện tích tập trung lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm cung ứng sầu riêng thương phẩm chủ yếu khu vực các tỉnh phía Nam.

Cuộc cách mạng về giống và kỹ thuật thâm canh

Giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh có nhược điểm là chất lượng không tốt, hạt to, cơm mỏng, khó cạnh tranh với các giống sầu riêng chất lượng cao khác, nhất là trong giai đoạn đổi mới và hội nhập.

Nhận thấy điều đó, các nhà khoa học Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) cùng các cán bộ kỹ thuật, các ngành hữu quan tại địa phương tập trung khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh, trong đó chú ý các nhân tố giống tốt, chăm sóc phù hợp, phòng chống sâu bệnh hữu hiệu, xử lý để cây cho trái theo ý muốn, năng suất và sản lượng cao, bán được giá.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, đã khuyến cáo nhà vườn kiên quyết loại bỏ giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh và các giống kém chất lượng khác. Thay vào đó, trồng phổ biến các giống sầu riêng chất lượng cao như Ri 6, Mong Thong, Chuồng bò có nhiều ưu điểm (cơm dày, hạt lép, phẩm chất ngon, luôn được thị trường ưa chuộng nên giá bán cao, hiệu quả lớn).

Trong quy trình canh tác, Viện Cây ăn quả Miền Nam khuyến khích áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh từ khâu cải tạo, quy hoạch, phân bố mật độ trồng, tỉa cành tạo tán đến phòng chống sâu bệnh, xử lý để cây cho trái theo ý muốn, năng suất, sản lượng cao, trái đẹp và chất lượng ngon. Thực tế cho thấy đây là hướng đi đúng và nông dân nhiều năm nay áp dụng rất thành công.

Một thành công khác là bà con nắm vững được quy trình xử lý cho cây có trái theo ý muốn thông qua kỹ thuật xiết nước và chăm sóc, tác động để cây ra hoa vào mùa nghịch nên luôn bán được giá cao.

Về hiệu quả kinh tế, nếu giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh lúc vào mùa chỉ 5.000-6.000 đồng/kg thì các giống sầu riêng chất lượng cao như Ri 6, Mong Thong có giá bán gấp 5-6 lần. 

Trong mấy năm qua, lúc cao điểm, các giống sầu riêng chất lượng cao thương lái mua tại vườn 35.000-40.000 đồng/kg, khi vào chính vụ thu hoạch rộ tuy có giảm xuống nhưng vẫn giữ mức 20.000-22.000 đồng/kg. Mỗi hécta vườn chuyên canh sầu riêng đạt giá trị sản xuất trên dưới nửa tỷ đồng, trong đó lợi nhuận ròng từ 200 đến 300 triệu đồng - mức lợi nhuận kỷ lục của vườn cây ăn quả đặc sản tại Tiền Giang./.
 
Minh Trí (TTXVN