Sáu sáng kiến giúp ngành lúa gạo Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Ngày 26-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tổ chức Hội thảo “Tái cấu trúc ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và Phát triển bền vững phục vụ xây dựng nông thôn mới”.
IRRI đề xuất sáu nội dung sáng kiến giúp ngành lúa gạo Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng lúa gạo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đồng thời IRRI đưa ra sáu sáng kiến hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa ngành lúa gạo thông qua việc chuyển con đường phát triển hiện nay sang sự phát triển toàn diện, chất lượng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Sáu nội dung, sáng kiến được IRRI đưa ra giúp nền nông nghiệp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2015-2020, bao gồm: Lai tạo các giống lúa chất lượng cao và sản xuất các loại gạo đặc sản theo hướng thương mại, đáp ứng sở thích của người tiêu dùng không chỉ trong mà ngoài nước; nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; giảm tổn thất trước và sau thu hoạch trong chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tiếp cận những nông hộ quy mô nhỏ đồng thời với việc có các biện pháp chính sách đẩy mạnh phát triển lúa gạo chất lượng, toàn diện và bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Quốc Doanh cho biết: “Sự tăng trưởng nhanh và bền vững của ngành nông nghiệp, đặc biệt là tiểu ngành gạo là nền tảng cho việc phát triển toàn diện thành công của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn đó là mặc dù vẫn được dự kiến là ngành sẽ đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung và tiếp tục tạo ra kim ngạch xuất khẩu từ sự xuất khẩu nhiều mặt hàng. Bên cạnh đó, đây cũng là ngành sử dụng phần lớn lao động lớn của cả nước (70% tổng lực lượng lao động) và phục vụ như một mạng lưới an toàn cho khu vực nông thôn vốn là khu vực chiếm ưu thế chính tại Việt Nam, song đóng góp của ngành vào GDP của đất nước đang giảm, từ 20% năm 2010 xuống 19% vào năm 2013 (ADB 2013). Do đó, ngành nông nghiệp sẽ cần những thay đổi đáng kể để tiểu ngành gạo vượt qua được những thách thức và trở thành tiểu ngành đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng "Chương trình nghiên cứu và phát triển hỗ trợ kỹ thuật do Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đề xuất sẽ góp phần làm hiện đại hóa ngành lúa gạo Việt Nam thông qua việc chuyển con đường phát triển hiện nay sang sự phát triển toàn diện, chất lượng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững".

TS Robert Zeigler, Tổng Giám đốc IRRI cũng nhận định: “Mặc dù trong những năm qua, ngành lúa gạo Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận song ngành lúa gạo Việt Nam cần cải tiến rất nhiều, người nông dân vẫn còn nghèo đói, hiệu quả sản xuất chưa xứng với tiềm năng. Việt Nam đã xuất khẩu lúa gạo đến nhiều nước trên thế giới nhưng chất lượng chưa cao, ngành sản xuất lúa gạo chưa có sức cạnh tranh”.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IRRI khẳng định Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội. TS Robert Zeigler bày tỏ tin tưởng “Với những thế mạnh vốn có và sự hỗ trợ của các chuyên gia của IRRI, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ có những bước tiến phát triển hơn nữa".

 

THANH TRÀ
theo nhandan