Sẽ có 10.000 tấn thịt lợn sạch của Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan

Sẽ có 10.000 tấn thịt lợn sạch của Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan
Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam do Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/10, các doanh nghiệp lớn trong ngành đã cùng nhau ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch để xuất khẩu.

Mới chủ yếu XK sang Trung Quốc

Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam XK đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực, đạt giá trị XK trên dưới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng lực sản xuất 27,5 - 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa, 2 triệu tấn thịt, bình quân đạt 60kg thịt/người, 100 quả trứng/người, 10 lít sữa/người, 80kg cá/người nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch XK. Việc XK thịt lợn Việt Nam sang các nước từ nhiều năm nay, vẫn chưa có sự đột phá nào. Phần lớn lợn nuôi được, chủ yếu là XK lợn hơi sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.

Thịt lợn Việt Nam đang đứng trước cơ hội xuất khẩu sang Hà Lan. Ảnh: danviet.vn.

Theo báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam XK tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số XK trên sẽ giảm sút, chỉ đạt 1,17 triệu con…

Trong lúc đó, XK chính ngạch lại hạn chế. Còn XK lợn thịt xẻ chính ngạch, Việt Nam mới xuất sang thị trường Hồng Kong (Trung Quốc) và Malaysia khoảng 15.000 - 20.000 tấn (tương đương 200.000 con), trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016. 

Theo các chuyên gia và DN, để đẩy mạnh XK thịt lợn, vấn đề an toàn dịch bệnh là hết sức quan trọng. Bà Nienke Trooster – Đại sứ đặc mệnh Đại Sứ quán Hà Lan tại Việt Nam – chia sẻ, Hà Lan cũng như các nước EU đều quy định nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt được thống nhất giữa các nước thành viên và Ủy ban châu Âu là đối tác đàm phán duy nhất với tất cả các nước ngoài EU về các điều kiện nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật. Theo đó, EU yêu cầu tất cả sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao giống như đối với sản phẩm của các nước thành viên EU, không chỉ về mặt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn liên quan đến an toàn dịch bệnh động vật của EU.

Theo Cục Thú y, hiện nay có không ít thị trường đang bày tỏ nhu cầu cần nhập khẩu sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Tuy nhiên, họ đều đưa ra hàng loạt yêu cầu rất khắt khe. Ví dụ đối với thị trường Hàn Quốc, năm 2016 nước này phải nhập khẩu các sản phẩm thịt với tổng trị giá lên tới hơn 5 tỷ USD. Đối với thịt lợn, nước này yêu cầu sản phẩm nhập khẩu vào thị trường của họ phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng XK không có bệnh lở mồm long móng (LMLM) và phải được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Do hiện nay Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh LMLM nên chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn. Đối với Philipppines, Cơ quan Thú y nước này yêu cầu thịt lợn nhập khẩu vào Philippines phải có nguồn gốc từ các nước không có bệnh LMLM và không tiêm phòng (được OIE công nhận).

Cần phải tổ chức theo chuỗi

Qua các con số trên các chuyên gia nhận định, tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện tại, hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất. Do đó, nhằm mở ra một hướng đi chung trong chiến lược phát triển của các bên với mục đích mang lại cho cộng đồng chuỗi giá trị cung ứng thịt heo sạch, an toàn hướng đến xuất khẩu Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn và Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao VN, Công ty CP và Đầu tư Thương mại Biển Đông cùng với Công ty máy móc Daewon đã cùng ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch để xuất khẩu.

Ông Vũ Mạnh Hùng- Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, sự liên kết hợp tác của các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, trước hết là phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch trong nước và đặc biệt hướng tới đưa sản phẩm thịt lợn Việt Nam ra thị trường khó tính.

“Hiện đã có doanh nghiệp Hà Lan sang tìm hiểu chuỗi quy trình liên kết và bàn thảo vấn đề nhập khẩu. Chúng tôi đã có lịch dự kiến ngày 26/11 chúng tôi sẽ cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp qua Hà Lan để gặp gỡ, đàm phán với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Lan về vùng an toàn dịch bệnh và các yêu cầu khác cho việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang thị trường này. Dự kiến, khi tiến hành mỗi năm chúng tôi sẽ xuất khẩu 10.000 tấn thịt lợn sang thị trường Hà Lan”, ông Hùng chia sẻ.

Nhận định về những thị trường tiềm năng khác, ông Vũ Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông cho biết, sản phẩm thịt lợn Việt Nam còn “rộng cửa” ở nhiều thị trường, thậm chí là các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, để xuất khẩu thịt lợn sang các thị trường khó tính này, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm và đầu tư thỏa đáng về vấn đề công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tại Diễn đàn ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á cũng đã chia sẻ về cơ hội XK và cả những thách thức cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn Việt Nam. Đồng thời chia sẻ về mô hình chuỗi liên kết của De Heus, kinh nghiệm tổ chức thành công chuỗi liên kết sản xuất thịt gia cầm XK, cũng như những nỗ lực góp phần vào việc phát triển nguồn thực phẩm sạch và bền vững.

Để thúc đẩy XK thịt lợn của Việt Nam đi các nước, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới, ông Vũ Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quản quản lý nhà nước cần hỗ trợ các DN mở thị trường cấp nhà nước cho sản phẩm thịt lợn của Việt Nam; thống nhất và tập hợp thông tin quy định quản lý kỹ thuật, thương mại với các cơ quan quản lý phía bạn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định tới cộng đồng DN có nhu cầu XK. Thường xuyên trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan hữu quan giữa Việt Nam và các nước để đánh giá, tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại trong việc xuất nhập khẩu…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cơ hội XK chăn nuôi của Việt Nam đã tới. Vì Việt Nam đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước. Bên cạnh đó, chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng giảm giá thành, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Rào cản thương mại đã được mở, vấn đề còn lại là đáp ứng rào cản kỹ thuật, chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Khi đã mở cửa thì phải giảm giá thành để cạnh tranh. Những công việc này đòi hỏi chúng ta phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh: ​Để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững phải cơ cấu lại. Cần từng bước chăn nuôi theo mô hình chuỗi. Bên cạnh đó, cần đánh giá thị trường nhu cầu tiêu dùng tiêu thụ thịt lớn trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia xung quanh Việt Nam với tiềm năng tiêu thụ thịt lợn rất lớn. Đồng thời đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiến hành rà soát chương trình an toàn dịch bệnh ở 5 tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Chỉ đạo cơ quan thú y của Việt Nam cần trao đổi và thống nhất với cơ quan thú y của bạn về các quy định kiểm dịch nhằm hướng tới chúng ta không phải chỉ XK một sản phẩm mà phải xuất khẩu đa sản phẩm.
 

Theo: Anh Thơ/kinhtenongthon.com.vn