Sẽ giải thể các quỹ đầu tư phát triển địa phương hoạt động kém hiệu quả
- Thứ sáu - 01/12/2017 10:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là loại hình không mới, xuất hiện cách đây 10 năm, bức tranh toàn cảnh quỹ đầu tư phát triển địa phương hiện nay ra sao, thưa ông?
Địa phương thành lập quỹ đầu tư phát triển nhằm huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đầu tư trực tiếp vào các dự án; cho vay đầu tư; góp vốn thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ngoài ra, quỹ đầu tư phát triển địa phương còn ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn cho ngân sách địa phương theo ủy quyền của UBND cấp tỉnh.
. |
Hiện cả nước có 42 quỹ đầu tư phát triển địa phương với số dư nguồn vốn hoạt động tính đến đầu năm 2017 là 28.040 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2007. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 75%, số còn lại là vốn huy động, nhưng chủ yếu là huy động từ nguồn vốn ODA Chính phủ vay về cho vay lại (chiếm 65% tổng vốn huy động) và tiền bảo hành công trình, ký quỹ của chủ đầu tư, tiền gửi của các quỹ tài chính địa phương…
Tính đến đầu năm 2017, tổng vốn mà hệ thống quỹ đầu tư phát triển địa phương cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp đạt 14.964 tỷ đồng, gấp 3,8 lần năm 2007. Trong đó, số vốn cho vay đầu tư hạ tầng 12.125 tỷ đồng, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp 2.839 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận của toàn hệ thống quỹ trong năm 2016 đạt 1.637 tỷ đồng, tăng 6 lần so với năm 2007.
Nhìn chung, thông qua hoạt động cho vay, đầu tư trực tiếp, quỹ đầu tư phát triển địa phương đã thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân cùng cho vay và đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, giảm bớt áp lực cho ngân sách địa phương trong việc đầu tư vào hạ tầng, mà hiện nay thường do Nhà nước phải đứng ra thực hiện, như dự án xử lý chất thải rắn, bến xe, cấp nước, chợ, trường học…
Nhưng đó là đánh giá tổng quát, còn nếu phân tách riêng thì hiệu quả hoạt động của nhiều quỹ đầu tư phát triển địa phương rất yếu?
Theo quy định của Nghị định 138/2007/NĐ-CP thì quỹ đầu tư phát triển địa phương phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng, nhưng hiện vẫn còn 3 quỹ không đáp ứng được điều kiện này; 18 quỹ có vốn điều lệ từ 100 đến dưới 200 tỷ đồng và chỉ có 8 quỹ có quy mô vốn lớn hơn 500 tỷ đồng.
Vốn điều lệ quá nhỏ, trong khi huy động vốn gặp nhiều khó khăn do không cạnh tranh được với ngân hàng thương mại (23 quỹ không huy động được vốn) cộng với nợ quá hạn cao, ước vào khoảng 6%..., vì vậy rất nhiều quỹ không thực hiện được mục tiêu đầu tư vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; dự án đầu tư xây dựng nhà ở và các dự án phát triển khu đô thị mới… theo hình thức BOT, BTO, BT như yêu cầu đặt ra.
Do “đói vốn”, nên nhiều quỹ không có tiền cho vay các dự án giao thông; cấp nước; nhà ở khu đô thị, khu dân cư; di chuyển sắp xếp lại các cơ sở sản xuất; xử lý rác thải đô thị, cũng như các dự án quan trọng do UBND cấp tỉnh quyết định.
Nhìn chung, 21 quỹ đầu tư phát triển địa phương có vốn điều lệ nhỏ hơn 200 tỷ đồng hiện nay đều hoạt động khó khăn; chỉ có khoảng 10 quỹ hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác huy động vốn, cho vay và đầu tư. Đây là lý do Bộ Tài chính xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 38/2007/NĐ-CP và Nghị định 37/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương, để nâng vốn điều lệ tối thiểu; xác định rõ cơ sở pháp lý cho quỹ phát hành trái phiếu để huy động vốn; quy định rõ trách nhiệm giám sát hoạt động cho vay, đầu tư đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương của cơ quan nhà nước...
Điểm yếu cốt tử của quỹ đầu tư phát triển địa phương là vốn mỏng. Thưa ông, nội dung này sẽ được sửa đổi theo hướng nào?
Chúng tôi dự kiến nâng vốn điều lệ tối thiểu của quỹ đầu tư phát triển địa phương từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Để tránh tình trạng khi làm đề án thành lập quỹ, địa phương nào cũng cam kết “bơm” đủ vốn, nhưng không thực hiện, chúng tôi sẽ kiến nghị, trong đề án thành lập quỹ, địa phương phải có phương án huy động, sử dụng vốn, bao gồm danh mục các dự án dự kiến cho vay, đầu tư trong 3 năm từ thời điểm lập quỹ.
Địa phương nào muốn thành lập, duy trì quỹ đầu tư phát triển thì phải cấp đủ vốn điều lệ cho quỹ tối thiểu 300 tỷ đồng. Nếu không, sau 3 năm kể từ khi nghị định thay thế Nghị định 38/2007/NĐ-CP và Nghị định 37/2013/NĐ-CP có hiệu lực, buộc phải giải tán, chấm dứt hoạt động.
Ngoài ra, quỹ đầu tư phát triển địa phương nào dù đủ vốn điều lệ tối thiểu, nhưng hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu thành lập; có tỷ lệ sử dụng vốn dưới 20% vốn hoạt động; không huy động được vốn, nợ xấu cao không có biện pháp xử lý trong vòng 3 năm liên tiếp; chênh lệch thu - chi âm trong 3 năm liên tiếp, cũng buộc phải giải thể.
http://baodautu.vn/