Sẽ lập Quỹ bồi thường tai nạn lao động

Sẽ lập Quỹ bồi thường tai nạn lao động
Những yếu kém trong việc thống kê, quản lý an toàn vệ sinh lao động là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tai nạn lao động vẫn không hề giảm bớt”.

 

Đây là nhận định của ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) khi trao đổi với NTNN.

Ông đánh giá thế nào về công tác đảm bảo ATVSLĐ trong nông nghiệp hiện nay?

- Hiện nay lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lớn, hơn 70% số lao động trong cả nước. Khu vực này có đặc thù sử dụng nhiều lao động thủ công, chủ yếu là lao động tự do trong các tổ chức làng nghề, hợp tác xã…

An toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp đang bị nhiều người coi nhẹ (ảnh minh họa). M.N

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH năm 2011 về tai nạn lao động (TNLĐ) trong sản xuất nông nghiệp, tần suất tai nạn trong sử dụng điện là 7,99%o, trong sử dụng máy nông nghiệp là 8,56%o. Tức là trong 100.000 người lao động trong khu vực nông nghiệp thì có 799 người bị TNLĐ khi sử dụng điện và 856 người bị TNLĐ trong sử dụng máy nông nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình quốc gia về vấn đề này, đồng thời thông qua các tổ chức hội, như Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã để tăng cường nguồn lực, từng bước cải thiện tình trạng mất ATVSLĐ trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý, thống kê đảm bảo ATVSLĐ còn gặp nhiều khó khăn.

Nông nghiệp là một trong ba ngành sản xuất có nhiều yếu tố nguy cơ tại nơi làm việc, sau ngành xây dựng và khai thác hầm mỏ. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ tử vong do TNLĐ nông nghiệp chiếm 51% trong tổng số 330.000 ca tử vong do TNLĐ trong năm 2011. Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm trên toàn thế giới có khoảng từ 2 đến 5 triệu trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật với khoảng 40.000 trường hợp tử vong.

Đâu là nguyên nhân chính trong việc khó khăn trong thống kê TNLĐ trong nông nghiệp?

- Đối với các khu vực công nghiệp, việc thống kê là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, thực hiện theo quy định pháp luật. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lao động chủ yếu theo hình thức hộ gia đình cho nên việc thống kê cũng khó khăn.

Thứ nhất chưa có người đứng ra để thống kê; thứ hai bản thân người lao động cũng chưa hiểu được quyền lợi, trách nhiệm khai báo về TNLĐ. Khi xảy ra TNLĐ, gãy tay, đứt chân... thì họ cũng cho rằng chỉ là sơ ý, không may mà thôi. Chỉ khi xảy ra tử vong, tai nạn đông người thì chính quyền địa phương mới được báo.

Việc thống kê tai nạn lao động có lợi ích gì trong việc giảm tai nạn và nâng cao ý thức ATLĐ?

- Xưa nay, người dân chỉ nhìn nhận ATVSLĐ một cách đơn giản, như việc “của nhà người khác” và “không liên quan đến mình”, “khó xảy ra với mình” nên càng chủ quan trong việc giữ gìn ATLĐ cho mình và mọi người xung quanh.

Nếu có số liệu thống kê, tổng hợp, phân tích, mọi người sẽ nhìn rõ bức tranh mất ATLĐ hơn, sẽ “sợ” hơn và có ý thức hơn. Còn đối với các ban ngành có liên quan, nếu có số liệu thống kê, cũng sẽ có kế hoạch cụ thể để triển khai công tác nâng cao ý thức ATVSLĐ cho mọi người.

Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ làm gì để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo ATLĐ trong nông nghiệp?

- Để tăng cường việc thực hiện ATVSLĐ trong nông nghiệp thì tốt nhất là đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, xây dựng bộ máy quản lý của hợp tác xã, làng nghề... vững mạnh, đáp ứng được việc quản lý thực hiện ATVSLĐ trong nông nghiệp, nông thôn.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để thành lập Quỹ bồi thường TNLĐ. Nếu lao động đến khai báo thì sẽ được bồi thường, được chăm sóc. Thứ hai thông qua kênh trạm y tế cấp xã để thống kê. Khi lao động bị tai nạn mà khai báo sẽ được chăm sóc, giảm chi phí điều trị. Như vậy, người dân bị TNLĐ sẽ chủ động khai báo sự việc.