“Siết” nhập khẩu phân bón

(HQ Online)- Căn cứ vào tình hình cung cầu trong nước, đối với những loại phân bón trong nước đã sản xuất được, Bộ Công Thương sẽ hạn chế nhập khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu biên mậu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo từng thời điểm.
“Siết” nhập khẩu phân bón
Theo Bộ Công Thương, năm 2013, sản xuất công nghiệp phân bón trong nước mới đáp ứng được 77,6%, vẫn phải nhập khẩu 2,47 triệu tấn phân bón các loại.

Cụ thể, ông Võ Văn Quyền, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, một số loại phân bón sản xuất trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu. Nhất là phân ure, sản xuất trong nước hoàn toàn chủ động được nguồn cung, thậm chí có thể xuất khẩu.

Phân DAP đã đáp ứng được 30% nhưng riêng các mắt hàng phân Kali, SA vẫn phải nhập khẩu 100% để phục vụ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, theo số liệu của Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương), trong những năm qua, mặt hàng phân bón được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung. Trong đó, riêng qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là hơn 90% lượng phân bón nhập khẩu theo đường biên mậu. Các loại phân bón nhập khẩu về chủ yếu là phân DAP, ure, và một số loại trong nước chưa sản xuất được như MAP, SA, Kali, Ammoni Clorua.

Lượng phân bón nhập khẩu biên mậu qua từng năm cũng tăng đáng kể. Năm 2010 chỉ có 80.000 tấn; năm 2011 tăng lên 362.000 tấn; năm 2012 đạt 560.000 tấn và trong 4 tháng đầu năm 2013 đã nhập khẩu 200.000 tấn.

Với lượng nhập khẩu tuy không nhiều nhưng đã ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của doanh nghiệp trong nước, nhất là khi nguồn cung ure đã dư thừa.

Do vậy, ông Quyền cho rằng, các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ nhập khẩu ure, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong nước đã áp dụng trước đây sẽ thay đổi mạnh mẽ. Theo đó, những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho nhập khẩu ure sẽ giảm dần, thay vào đó là các chính sách khuyến khích phát triển hệ thống phân phối trong nước và điều tiết cân đối cung cầu để xuất khẩu một cách hiệu quả, hợp lý.

Đặc biệt, đối với những loại phân bón trong nước đã sản xuất được, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, Bộ Công Thương sẽ hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu biên mậu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo từng thời điểm.

Đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cho phép nhập khẩu theo từng lô hàng và có thời gian xác định để có thể kiếm soát số lượng phân bón nhập khẩu biên mậu, không ảnh hưởng tới cung cầu trong nước.

Đây được coi là động thái tích cực của Bộ Công Thương trong việc hạn chế nhập khẩu phân bón. Bởi thời gian qua, thị trường phân bón trong nước gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc – thị trường cung ứng trên 80-90% lượng phân bón nhập khẩu cho Việt Nam.

Phan Thu
theo baohaiquan