Sơ kết 2 năm Chương trình 02 tại Hà Nội: Dấu ấn đáng ghi nhận

Sơ kết 2 năm Chương trình 02 tại Hà Nội: Dấu ấn đáng ghi nhận
Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XD NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân" đã để lại nhiều dấu ấn. Mỗi địa phương có một cách làm hay, mỗi mô hình là một sự đột phá trong tiến trình XD NTM.

NTM là ước mơ của nhiều người dân

Sau 2 năm thực hiện Chương trình 02 cũng như công cuộc XD NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô được nâng lên đáng kể, hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới, khang trang hơn, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Ở Sóc Sơn, xác định dồn điền đổi thửa (DĐĐT) tuy không phải là tiêu chí trong XD NTM nhưng sẽ có tác động tích cực tới nhiều tiêu chí trong chương trình nên Ban chỉ đạo XD NTM huyện đã xem đây là một trong những khâu đột phá, tạo nền tảng cho việc thực hiện các nhiệm vụ khác. Đến nay, huyện đã hoàn thành DĐĐT ở 14 xã với hơn 9.200 ha. Sau DĐĐT, các xã, thị trấn đã đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa nông nghiệp với 3.000 máy các loại, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, giải phóng sức lao động.

Trên thực tế, quá trình SXNN của nông dân Sóc Sơn sau DĐĐT khá thuận lợi. Năm 2012, huyện gieo trồng 4.360 ha lúa chất lượng cao, lúa hàng hóa; 250 ha bưởi Diễn; 250 ha rau an toàn; 200 ha chè… Phần diện tích dôi dư sau dồn ruộng khoảng 740 ha được huyện sử dụng xây dựng các công trình thủy lợi, văn hóa, khu thể thao, nghĩa trang...

Trong Chương trình XDNTM, đến nay, 25/25 xã trên địa bàn Sóc Sơn đã được phê duyệt đề án và quy hoạch; tổng nguồn vốn đầu tư XD NTM và vốn lồng ghép năm 2012 đạt gần 77 tỉ đồng; riêng xã điểm Mai Đình đã đạt 18/19 tiêu chí… Phấn đấu đến năm 2013, mỗi xã của Sóc Sơn sẽ hoàn thành 3-4 tiêu chí, các tiêu chí khác đạt 20-25%; hoàn thành XD NTM tại xã điểm Mai Đình; nâng cao mức thu nhập của người dân từ 20% trở lên (năm 2012 đạt 22 triệu đồng/người).

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, tình hình SXNN của huyện đang có những bước tiến mới đáng ghi nhận. Diện tích gieo trồng, năng suất lúa đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công thức luân canh, gối vụ gieo trồng lúa, rau màu có năng suất cao, chất lượng tốt đã mang lại kết quả khả quan, 60% diện tích canh tác được cấy bằng giống lúa năng suất, chất lượng cao; nhiều mô hình SXNN hiệu quả được triển khai.

Đến nay, Thạch Thất đã huy động được 637 tỉ đồng từ các nguồn cho công cuộc XD NTM, trong đó nguồn vốn xã hội hóa đạt gần 20 tỉ đồng. Huyện cũng đã phê duyệt đề án XD NTM cấp huyện và 21/22 xã; 17/22 xã được phê duyệt quy hoạch NTM. Xã điểm Đại Đồng đạt 18/19 tiêu chí; 3 xã Phùng Xá, Hương Ngải và Hạ Bằng đạt 14-17 tiêu chí; 15 xã đạt 11-13 tiêu chí… Năm 2013, Thạch Thất tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ XD NTM tại 10 xã giai đoạn 1 với mục tiêu đạt từ 15-17 tiêu chí; hoàn thành việc DĐĐT…

Từ đầu năm 2012 đến nay, TX Sơn Tây đã triển khai nhiều chương trình phát triển sản SXNN như: mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ với số lượng 5.000 con ở 3 xã Đường Lâm, Cổ Đông và Trung Hưng; chương trình cải tạo vườn tạp với nguồn hỗ trợ 4.000 cây giống bưởi Diễn cho các xã... Ước tính, giá trị SXNN năm 2012 trên địa bàn thị xã đạt 155 tỉ đồng. Đến nay, 6/6 xã nông thôn trên địa bàn đã hoàn thành công tác lập quy hoạch NTM. Qua hai năm triển khai Chương trình 02, xã Sơn Đông đã cơ bản hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM; 1 xã cơ bản hoàn thành 11 tiêu chí; 4 xã hoàn thành 5 -7 tiêu chí là Kim Sơn, Thanh Mỹ, Đường Lâm, Xuân Sơn. Dự kiến, đến hết năm 2012, TX Sơn Tây hoàn thành thực hiện DĐĐT 150 ha đất nông nghiệp.

Tại buổi sơ kết việc thực hiện Chương trình 02, đại diện huyện Từ Liêm cho biết, tổng giá trị SXNN năm 2012 trên địa bàn huyện ước đạt 286 tỉ đồng (bằng 99,6% năm 2011). Tổng sản lượng lương thực quy thóc 4.200 tấn. Giá trị SX trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 187 triệu đồng/ha (tăng 18,8 triệu đồng/ha so với năm 2011).

Qua 2 năm thực hiện đề án XD NTM, đến hết năm 2012, Từ Liêm có 4 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí gồm Tây Tựu, Đông Ngạc, Minh Khai, Xuân Đỉnh; 1 xã hoàn thành 18/19 tiêu chí; 1 xã hoàn thành 17/19 tiêu chí; 6 xã hoàn thành 16/19 tiêu chí; 2 xã hoàn thành 15/19 tiêu chí; 1 xã hoàn thành 12/19 tiêu chí. Qua đó, đời sống nhân dân trên địa bàn từng bước được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh quốc phòng được giữ vững.

 

Ghi nhận những kết quả mà các huyện đã đạt được, ông Nguyễn Công Soái, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02, cho biết: “Để chương trình XD NTM ngày càng đơm hoa kết trái, các huyện cần tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình cũng như lợi ích trong việc XD NTM; trong DĐĐT, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đi đầu và có quyết tâm cao; thực hiện tốt cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, xây dựng làng văn hóa giàu đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết...”.

 

Điểm nổi bật trong việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tại huyện Hoài Đức là công tác lập đề án và quy hoạch NTM được thực hiện khẩn trương, khoa học, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng lên. Đến nay, quy hoạch và đề án XD NTM của huyện và 19/19 xã đã được phê duyệt; xã điểm Yên Sở cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, có 4 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí, 9 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí. Tổng kinh phí đầu tư XD NTM tại 18 xã trên địa bàn huyện Hoài Đức là 1.366.711 triệu đồng.

Để làm được điều đó, theo ông Vương Duy Hướng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện: Ngay từ đầu, Hoài Đức đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể. Công tác tuyên truyền được tăng cường với nhiều hình thức nhằm phổ biến chủ trương của Thành ủy, Huyện ủy, UBND huyện, Bộ tiêu chí quốc gia về XD NTM tới nhân dân; tổ chức lễ phát động “Toàn dân chung sức XDNTM”. Huyện đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho cán bộ từ huyện đến cơ sở tham gia XD NTM để nắm bắt những quy định cụ thể trong quá trình thực hiện. Công tác lập đề án và quy hoạch NTM được chỉ đạo tập trung. Việc thực hiện xây dựng mô hình điểm được đẩy mạnh. Nhiều hộ dân sau khi được tuyên truyền, tập huấn đã ý thức được tầm quan trọng của việc XD NTM nên đã nhường đất ở, đất nông nghiệp để làm đường giao thông nông thôn; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả SXNN.

Theo nongnghiep.vn