Sóc Trăng: Sức bật để thoát nghèo bền vững

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp củng cố và tăng cường khối Đại đoàn kết dân tộc. Qua 4 năm thực hiện triển khai Chương trình 135 (giai đoạn 2011-2014) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 3,5 - 4%/năm.
Nông dân Sóc Trăng xem trình diễn máy gặt đập thu hoạch lúa

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (Khmer: 30,71%, Hoa: 5,02%, dân tộc khác 0,03%). Chương trình 135 ở tỉnh được đầu tư và triển khai thực hiện tại 39 xã đặc biệt khó khăn (Khu vực III) và 98 ấp đặc biệt khó khăn thuộc 33 xã (Khu vực II) với tổng mức đầu tư là 160 tỷ 211 triệu đồng. Năm 2014 Trung ương đầu tư với tổng vốn là 74 tỷ 750 triệu đồng cho 44 xã đặc biệt khó khăn và 61/72 ấp đặc biệt khó khăn thuộc 30 xã Khu vực II; duy tu, bảo dưỡng cho 30 xã Khu vực III theo Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, tổ chức rà soát, lập danh sách hộ thụ hưởng đúng đối tượng, bình nghị, công khai, dân chủ ra dân; phân bổ vốn bảo đảm đúng nguyên tắc, minh bạch; quan tâm xem xét, lựa chọn nội dung, hình thức hỗ trợ phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể. Trong triển khai thực hiện có lồng ghép với các chính sách an sinh xã hội khác (như hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, vốn xây dựng nông thôn mới, nước sinh hoạt, điện thắp sáng…) đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc có vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Nguồn vốn được phân cấp trực tiếp cho Ủy ban nhân dân cấp xã làm chủ đầu tư, giúp địa phương chủ động hơn trong chỉ đạo thực hiện, và có sự tham gia giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể cơ sở và nhân dân trong vùng Dự án.

Dự án hỗ trợ sản xuất đã giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống trong đồng bào dân tộc, nâng cao tính cộng đồng, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2011, Sóc Trăng có 6.223 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 69.416 hộ, chiếm 22,3% tổng số hộ, giảm 2% so với năm 2010 (trong đó số hộ Khmer nghèo là 31.585 hộ, chiếm 34,3% tổng số hộ Khmer của tỉnh).

Năm 2014, có 13.991 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 40.160 hộ, chiếm 12,7% tổng số hộ, giảm 4,2% so với năm 2013 (trong đó có 6.884 hộ Khmer thoát nghèo, giảm số hộ nghèo xuống còn 18.960 hộ, chiếm 19,5% tổng số hộ Khmer, giảm 7,7% so với năm 2013).

Đối với Dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng được các địa phương thực hiện theo quy hoạch, các công trình được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thông qua người dân lựa chọn, triển khai. Cấp xã làm chủ đầu tư, cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Đối với các công trình ghi kế hoạch hàng năm được thông báo, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và thông qua Thường trực Hội đồng nhân dân xã trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Hầu hết các xã có Dự án đều chủ động thành lập Ban chỉ đạo điều hành, Ban quản lý Dự án, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.

Nhìn chung các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông nông thôn, y tế, thủy lợi, trường và lớp học, nhà sinh hoạt cộng đồng… đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân, được triển khai thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, các công trình đưa vào khai thác và sử dụng đã phát huy hiệu quả góp phần giải quyết nhu cầu thiết thực cho người dân trên địa bàn thụ hưởng chính sách. Một số huyện đã tổ chức thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn Chương trình 135 với Chương trình xây dựng nông thôn mới để làm đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, huy động được sự tham gia tích cực của người dân đóng góp ngày công lao động, đất đai, hoa màu, cây cối; tạo công ăn việc làm tại chỗ, bảo đảm nguyên tắc “xã có công trình, dân có việc làm”, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở địa phương; công trình khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đi lại, kinh doanh mua bán, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn như: huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Thạnh Trị, thị xã Vĩnh Châu...

Chương trình 135 đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, mức sống của người dân tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 3,5 - 4%/năm; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã và 90% số ấp có đường giao thông nông thôn; 100% các xã trên địa bàn tỉnh có trường, lớp học kiên cố; trên 90% diện tích đất nông nghiệp có hệ thống thủy lợi được cải tạo, bảo đảm tưới tiêu phục vụ tốt trong sản xuất; gần 86% số hộ vùng dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có mạng lưới điện quốc gia; các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế cơ bản hoàn thiện; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên nguồn vốn thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án trên địa bàn chưa kịp thời. Các chương trình, dự án có những quy định riêng; cơ chế quản lý, lồng ghép các nguồn lực còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ; một số địa phương chưa huy động được sự đóng góp của người dân, của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Vốn duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở được phân bổ thấp, trong khi có nhiều công trình đang xuống cấp nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời; một số công trình thuộc Chương trình 135 có gắn biển tên nhưng chưa ghi đầy đủ các thông tin cơ bản của công trình; việc theo dõi, kiểm tra, quản lý không để xe quá trọng tải quy định lưu thông trên các tuyến đường nông thôn chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành ở một số xã chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là trong khâu lập kế hoạch, thanh quyết toán nguồn vốn và báo cáo về trên theo quy định còn chậm; đội ngũ cán bộ theo dõi Chương trình thường xuyên có sự thay đổi và phần lớn chưa được bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn, chủ yếu chỉ được tập huấn ngắn ngày.

Để thực hiện tốt Chương trình 135 trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, sớm ban hành quy định tạm thời định mức thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện; Tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ xã, ấp vùng đặc biệt khó khăn về năng lực quản lý dự án, đầu tư, tài chính và kỹ năng kiểm tra, giám sát; Chỉ đạo ngành chức năng quan tâm hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình, chú trọng việc lồng ghép các chính sách, dự án, Chương trình trên cùng một địa bàn đạt hiệu quả để chỉ đạo nhân rộng; tập trung hướng dẫn chuyển giao ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nội bộ và nhân dân vùng thụ hưởng Chương trình 135 về mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ để mọi người hiểu rõ Chương trình 135 là một chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn; tăng cường huy động các nguồn lực tham gia vào Chương trình đạt chất lượng và hiệu quả; Nghiên cứu lồng ghép vốn Chương trình 135 với các nguồn vốn khác nhằm đủ nguồn lực đầu tư; tổ chức tốt công tác giám sát đầu tư, quy định trách nhiệm rõ ràng cho cơ quan, đơn vị trong quản lý sau đầu tư; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng đúng theo quy định nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả và tăng tuổi thọ của công trình; Sơ kết đánh giá, việc xem xét lựa chọn xác định giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế địa phương, kinh tế thị trường để công khai, hướng dẫn cho hộ thụ hưởng thực hiện; Chủ động trong việc xây dựng và phê duyệt dự toán đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để có thể giải ngân ngay từ đầu năm, hỗ trợ kịp thời vụ nhằm phát huy hiệu quả của Chương trình./.

Theo: chuongtrinh135.vn