“Soi gương” vào nông thôn mới

“Soi gương” vào nông thôn mới
“Nông thôn mới” từ cách nghĩ, cách làm, cách vun tay xây dựng để nông thôn hiện đại về dáng vóc, văn minh trong nếp sống, no ấm về vật chất, giàu nét đẹp văn hoá tinh thần… Qua hơn 3 năm xây dựng nông thôn mới, các xã nông thôn ở Nam Tây Nguyên đã đi bằng chính niềm tin của người dân, sự trợ sức của Nhà nước và các nguồn lực xây dựng nông thôn.

 


Diện mạo nông thôn mới ở xã Xuân Trường (Đà Lạt)
Diện mạo nông thôn mới ở xã Xuân Trường (Đà Lạt)


Nông thôn mới đang lớn dần…

Nếu có một cái nhìn phổ quát nhất về sự đổi mới ở các xã nông thôn mới, có thể nhìn thấy trong chủ thể ấy có 3 mảng diễn ra sinh động tại các xã nông thôn. Ba mảng ấy như tạo dựng một thế “kiềng 3 chân” vững chãi để thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đó là: cán bộ - người dân - sức bật của các xã nông thôn.

Hình ảnh ấn tượng khi bước đến một xã nông thôn mới chính là cách làm việc của những “thuyền trưởng” là các cán bộ xã, cán bộ thôn. Họ như những nhịp cầu vững chắc để chủ trương đến với thực tiễn. Tất bật với các công việc ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Bồng, Bí thư chi bộ thôn Tân Đà, xã Tân Hội, Đức Trọng (là 1 trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới toàn quốc) cùng tập thể lãnh đạo mày mò, khai phá cách thức xây dựng nông thôn mới từ năm 2009 đến nay vẫn nằm lòng bài học dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Đã qua đi những ngày vất vả tuyên truyền, khơi gợi lòng dân ban đầu, thành quả của quá trình xây dựng đã hiện diện từ những con đường được xây dựng, hệ thống điện được lắp mới, các lớp dạy nghề đã và đang tiếp tục được mở, vườn chuối, vườn bơ từ chương trình chuyển giao kỹ thuật trồng trọt đã bước vào kỳ sinh trưởng lên xanh mơn mởn… Công việc của người cán bộ luôn đòi hỏi sát dân, bám công việc, những ngày cuối năm 2012, ông và các cán bộ tiếp tục vận động triển khai hội thảo đầu bờ về trồng lúa cho bà con dân tộc thiểu số trong thôn…

Hơn 3 năm xây dựng nông thôn mới, Lâm Đồng quyết tâm đạt mục tiêu tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn từ hệ thống cơ sở hạ tầng, bưu điện, chợ đến cơ quan, nơi công sở, trường học, trạm xá. Đời sống nông nghiệp được ví là “hơi thở” mạnh mẽ lâu nay nơi mỗi xã nông thôn đã phát triển: tăng năng suất cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế nhịp nhàng, hiệu quả. Có thể kể đến các mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao tại Tân Hội (Đức Trọng), hợp tác trồng khoai tây ở Ka Đô (Đơn Dương), quỹ đối ứng từ sự đóng góp của người dân tại xã Xuân Trường (Đà Lạt).

Xã Ka Đô (huyện Đơn Dương) - 1 trong 11 xã điểm do tỉnh Lâm Đồng chủ động đầu tư xây dựng nông thôn mới đang hiện hữu nhiều “điểm son” trong việc xây dựng nông thôn. Bà Nguyễn Thị Thường là vợ liệt sỹ đã sinh sống tại xã từ nhiều năm nay, gia đình bà làm kinh tế từ vườn rau như nhiều hộ dân khác trong thôn Nghĩa Hiệp 2. Xã xây dựng nông thôn mới, bà cùng xóm làng bước vào quá trình canh tác nông nghiệp hiệu quả hơn từ những buổi tập huấn kỹ thuật, cùng chỉnh trang đường làng ngõ xóm, góp sức xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng… Năm mới 2013 đang đến trong nhiều niềm vui vì gia đình bà được sống khang trang hơn trong căn nhà tình nghĩa do một đơn vị kinh doanh nhận đầu tư cho xã điểm Ka Đô trao tặng. Hơi lạnh ngày cuối năm như được xua tan bởi sức sống mới đang lan toả ấm áp…

Nhân lực và vật lực cho nông thôn mới

Trong dòng chảy “nông thôn mới”, cách đón nhận của lớp trẻ trong việc nắm bắt cơ hội việc làm ở nông thôn như hiện thân cho sức hút của nông thôn mới đối với nguồn nhân lực có trình độ và cái nhìn khá sắc sảo về đời sống. Chế Thị Thủy Tiên được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Tân Hội, sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Tiên về làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo&PTNT) huyện Đức Trọng. Khi phòng giao dịch của ngân hàng tại xã Tân Hội được mở rộng, cô sẵn sàng về làm việc ở nơi gia đình mình sinh sống với niềm vui được làm tín dụng, giao dịch hàng ngày cùng bà con nông dân. Nhìn Tiên như nhìn thấy chất trẻ đang hiện hữu, đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ xây dựng tại cơ sở bằng chính nguồn nhân lực của địa phương!

Trong lộ trình đầu tư phát triển các xã nông thôn mới, vấn đề đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư được xem là sức mạnh tổng hợp cho các xã phát triển. Nguồn vốn tín dụng thời gian qua đã phát huy hiệu quả và chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư xây dựng nông thôn mới. NHNo&PTNT theo đuổi mục tiêu đầu tư tín dụng tại các xã nông thôn mới bằng 150% mức tăng trưởng chung và hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với xã đầu tư trọng điểm Ka Đô. Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục các chương trình tín dụng ưu đãi, đặc biệt là tại các xã nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì việc thu hút được các nguồn ngoài ngân sách là một yếu tố quan trọng để các xã nông thôn mới chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giải quyết việc làm, tiêu thụ nông sản… Tuy vậy, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng thì việc thu hút các doanh nghiệp đến và đầu tư vẫn còn là một điểm hạn chế tại các xã nông thôn mới hiện nay. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào địa bàn nông thôn với hướng ưu tiên cho những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản chế biến nông sản, đầu tư phát triển công nghiệp cũng như tiểu thủ công nghiệp… đang là vấn đề trọng tâm để hợp lực cho nông thôn mới có những sức bật riêng.

Hơn 3 năm quyết liệt với công cuộc xây dựng, “cánh cửa mới” cho các xã nông thôn đã rộng mở để mục tiêu hướng đến no ấm, khang trang, giàu đẹp dần được hoàn thiện. Con đường làng gập ghềnh, mấp mô đã lùi vào thời “tiền nông thôn mới”, thay vào đó là hệ thống giao thông nối liền, rộng rãi. Mơ ước về một ngày nông thôn trù phú, đủ đầy, nông dân là chủ nhân vững vàng phát triển cùng nông thôn vẫn tiếp tục là đích đến của năm 2013 và những năm tiếp theo…

Hải Yến

Theo baolamdong.vn