Sơn Động đang chuyển mình

Sơn Động đang chuyển mình
Chúng tôi đã có cơ sở để kỳ vọng sẽ có những DN quy mô lớn trong nhiệm kỳ tới. Huyện đang có chính sách cụ thể mời gọi các nhà đầu tư dựa trên tiềm năng tự nhiên của mảnh đất này.

Chúng tôi lên huyện Sơn Động (Bắc Giang) theo quốc lộ 31. Đường cứ hẹp dần: từ thành phố Bắc Giang lên Lục Nam là con đường bê tông đủ rộng 6-8 làn xe, từ Lục Nam lên Lục Ngạn đường nhựa thông thoáng đang được nâng cấp để vải thiều về xuôi và ra thị trường quốc tế, hai bên đường san sát các điểm thu mua và đóng gói bảo quản vải thiều…

Vậy mà, từ xã cuối cùng của Lục Ngạn lên thị trấn An Châu mặt đường còn chỉ đủ cho 2 làn xe, nhưng tương đối êm thuận bởi, có lẽ, ít xe tải trọng lớn lưu thông. Hai bên đường, khoảng cách giữa những mái nhà dân cứ xa dần.

Cựu chiến binh - Lương Văn Hùng đang chuẩn bị di chuyển đàn ong nội sang môi trường có nguồn thức ăn mới

Vay chỉ đủ để thoát nghèo

Trên địa bàn huyện Sơn động hiện có 3 tổ chức tín dụng: Agribank; VBSP và Quỹ tín dụng nhân dân An Châu. Khách hàng chủ yếu vẫn là các hộ dân cần vốn để chăn nuôi và chăm sóc rừng. Có 3 DN: khai thác khoáng sản (than), nhiệt điện và dệt may, trong đó chỉ có 1 DN gia công sản phẩm may mặc là trực thuộc tỉnh, hai đơn vị còn lại trực thuộc các tập đoàn kinh tế trung ương. Do vậy, lượng vốn vay bình quân của mỗi khách hàng thấp, chủ yếu với kỳ hạn ngắn.

Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Việt Ước - Phó chủ tịch UBND huyện, khi được hỏi về cảm nhận thành quả rõ nét nhất trong 5 năm qua trên cương vị người lãnh đạo huyện, chỉ nhận một câu trả lời ngắn gọn: không còn hộ dân bị đói trong thời kỳ giáp hạt.

Và, dường như nỗ lực của các đơn vị hoạt động tín dụng trên huyện miền núi này còn đang dựa vào chính sách ưu đãi của Nghị quyết 30a của Chính phủ cũng mới chỉ phục vụ cho mục tiêu trên bởi sản xuất hàng hóa hầu như chưa phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Agribank Sơn động cho biết: hiện đơn vị đang cho 6.752 hộ khách hàng vay với tổng doanh số đến cuối tháng 6/2015 là 399,283 tỷ đồng, trong đó cho DN vay chỉ khoảng 9 tỷ đồng.

Bà con vay chủ yếu phục vụ nhu cầu chăn nuôi, tăng sản lượng đàn gia cầm (gà, trâu, bò) để cung cấp thịt và trứng cho lực lượng công nhân hai nhà máy lớn của trung ương trên địa bàn là Công ty Nhiệt điện và Công ty khai thác than.

Tỷ lệ nợ xấu ở Agribank Sơn Động rất thấp: chỉ 0,6% vì hộ dân chỉ vay để mua thức ăn chăn nuôi, đến kỳ bán sản phẩm lại trả cả vốn lẫn lãi, rồi mới vay tiếp để quay vòng…

“Chúng tôi có đủ nguồn vốn cho vay trung dài hạn để bà con tạo dựng trang trại chăn nuôi hay trồng rừng quy mô lớn, nhưng cũng chưa thấy khách hàng nào đặt vấn đề”, bà Thủy nói và cho biết thêm: khi Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng cho nông thôn thay thế Nghị định 41 có hiệu lực, hy vọng số khách hàng của đơn vị sẽ tăng thêm khoảng 40-50% và là cơ hội cho sản xuất hàng hóa phát triển. Nhưng thị trường tiêu thụ nông sản, chăn nuôi vẫn là yếu tố quyết định… “Phải có cơ sở chế biến, tiêu thụ trên địa bàn” – bà Thủy khẳng định khi được nêu câu hỏi về “quả trứng – con gà” trong chuỗi sản xuất hàng hóa.

Quỹ tín dụng nhân dân An Châu được ngành NH tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo huyện Sơn Động đánh giá là hoạt động có hiệu quả, bảo đảm an toàn vốn. Ông Trần Xuân Mậu, Giám đốc điều hành Quỹ cung cấp một chi tiết mới: thông thường, khách hàng của Quỹ là các hộ tiểu thương buôn bán nhỏ hoặc đầu tư trên địa bàn xã An Châu và thị trấn, nhưng gần đây, đã có hộ bà Đinh Ngọc Bích đến vay Quỹ 670 triệu đồng với kỳ hạn 6-7 năm để bổ sung vốn chăm sóc cho hơn 10ha rừng trồng keo ở xã Tuấn Đạo.

Hiện Quỹ đang áp dụng lãi suất 8%/năm cho các hộ vay để trồng rừng với kỳ hạn từ thời điểm trồng mới đến khi khai thác. Đây đang là một hướng đi mới của Quỹ tín dụng nhân dân An Châu.

“Con gà” sẽ có ở Sơn Động

Trung tuần tháng 7/2015, Đại hội đảng bộ huyện Sơn Động lần thứ 25 được tổ chức. Trong nội dung Báo cáo chính trị của Đại hội, phần phương hướng cho nhiệm kỳ 26 (2015 – 2020) có nêu: Chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thu hút đầu tư. Cơ cấu công nghiệp – thương mại – dịch vụ chiếm 62,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4-4,5%/năm để đến cuối nhiệm kỳ chỉ còn dưới 10% (hiện nay là 29%)…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định: Khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng thương hiệu sản phẩm.  Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu có năng lực và tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm…

Đồng chí Trần Công Thắng,  Bí thư huyện ủy bày tỏ trước ngày khai mạc Đại hội: Huyện ủy Sơn Động hiện vẫn chưa có đảng bộ trực thuộc khối DN. Những đại biểu là doanh nhân dự Đại hội lần này rất ít, vẫn chỉ từ các đảng viên đang sinh hoạt trong các chi bộ cơ quan trực thuộc trung ương quản lý…

Nhưng chúng tôi đã có cơ sở để kỳ vọng sẽ có những DN quy mô lớn trong nhiệm kỳ tới. Huyện đang có chính sách cụ thể mời gọi các nhà đầu tư dựa trên tiềm năng tự nhiên của mảnh đất này.

Phó chủ tịch Ước cho biết, huyện đã tiếp đón và xác định địa điểm đầu tư cho hai DN là: Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và Công ty cổ phần công nghệ cao nông thôn, đây là những “con gà” sẽ tạo thị trường tiêu thụ để quy mô chăn nuôi trên địa bàn huyện – tức “quả trứng” tăng trưởng bền vững. Được biết thêm, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đầu tư trên diện tích 100ha một cơ sở chăn nuôi lợn sạch kết hợp nhà máy chế biến tại chỗ để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, Quốc lộ 279 nối trung tâm huyện Sơn Động với cảng Cái Lân (Quảng Ninh), dài hơn 70km, đã được nâng cấp, chịu được tải trọng hàng chục tấn. Đây sẽ là thị trường tiêu thụ nông sản và sản phẩm rừng trồng cây công nghiệp của nông dân huyện Sơn Động trên con đường xây dựng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Bí thư huyện ủy Trần Công Thắng còn cho biết thêm, huyện còn một sản phẩm nữa đang hình thành, đó là con đường du lịch tâm linh đi lên Yên Tử từ phía Tây. Hiện đã có nguồn vốn đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư Xuân Thành đang thi công.

Tuyến đường này, từ thành phố Bắc Giang sẽ đi qua nhiều di tích lịch sử, địa điểm phật giáo tâm linh và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn thuộc các huyện Lục Nam; Lục Ngạn; Sơn Động. Hy vọng du khách sẽ lên Yên Tử từ hướng đi này bởi thiên nhiên ở đây còn được bảo tồn nguyên vẹn…

Những cán bộ ngành NH và hoạt động tín dụng trên địa bàn cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào nguồn lực mới, nhu cầu tín dụng mới từ những cơ sở chăn nuôi, sản xuất chế biến và dịch vụ này của Sơn Động để hỗ trợ nguồn vốn tạo nên sự thay đổi đột phá cho mảnh đất “thâm sơn cùng cốc này”.

Trong đó, những cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ kinh doanh thương mại được hình thành và tăng trưởng sẽ là bệ đỡ cho sản xuất hàng hóa ở đây tăng trưởng, người dân ở đây có cơ hội mơ đến “làm giàu” chứ không chỉ “thoát nghèo” như trước đây.

Khi vấn đề “quả trứng hay con gà có trước” được nêu ra, bà Thủy, ông Ước và Bí thư huyện ủy Trần Công Thắng ở Sơn Động đều khẳng định: để phát triển kinh tế, phải có địa chỉ đầu ra cho sản phẩm (tức “con gà”), và khi đó quy mô sản xuất, nhu cầu vay lượng vốn lớn và trình độ thâm canh của bà con nông dân nơi đây (tức “quả trứng”) mới có điều kiện cần và đủ để hình thành.

Tin chắc rằng, ở Sơn Động, đã và đang hình thành những “con gà”…

Ông Lương Văn Hùng, 58 tuổi, ở thôn Trại Chùa, xã Yên Định, huyện Sơn Động đang vay 120 triệu đồng vốn tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) để nuôi 4 người con học các trường đại học; cao đẳng. Ông cho biết mỗi kỳ vừa trả lãi và gốc là 7 triệu đồng theo hợp đồng và luôn đúng hạn. Để có nguồn thu trả cho các hợp đồng tín dụng trên, ông nuôi 120 đàn ong nội, thu 2 tấn mật/năm.

Ngoài ra, ông còn đầu tư hơn 2ha rừng trồng cây keo làm nguyên liệu cung cấp cho sản xuất giấy viết. Ông có nghề làm mộc nhận đóng đồ gia dụng và công cụ sản xuất cho các hộ trong vùng. Mỗi năm, ông cho biết, những lao động sản xuất trên mang lại cho gia đình nguồn thu hơn 200 triệu đồng.

Thuận Hải
Theo: thoibaonganhang.vn