Sơn La: 15 xã đạt chuẩn là mục tiêu phấn đấu
- Thứ sáu - 24/02/2017 02:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi nông dân xung phong đóng góp nhiều hơn
Sơn La bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM trong hoàn cảnh là tỉnh có nhiều khó khăn so với cả nước và vừa trải qua cuộc di dân tái định cư thủy điện lớn nhất trong lịch sử. Bởi vậy, xuất phát điểm của Sơn La trong những ngày đầu làm NTM rất thấp. Tuy vậy, đến hết năm 2016, tỉnh Sơn La đã có 8 xã đạt chuẩn NTM, vượt 60% so với kế hoạch. Số tiêu chí NTM bình quân đạt 7,8 tiêu chí/xã, vượt 4% so với kế hoạch năm. Đặc biệt, vấn đề việc làm và thu nhập của người dân trong vùng nông thôn có sự tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo lực để NTM Sơn La bứt phá vươn lên trong những năm tiếp theo.
Các tuyến đường vào khu sản xuất đã được cứng hóa, giúp người dân xã Mường Bú, huyện Mường La đi lại dễ dàng. Ảnh: K.T
“Với Sơn La, nhờ bám sát thực tiễn và tôn trọng ý kiến người dân, tránh huy động sức dân quá mức nên chúng tôi thành lập hàng ngàn ban chỉ đạo phát triển bản do chính những người dân ở bản ấy, làng ấy tham gia. Do đó, việc NTM ở bản ấy, xã ấy, thôn ấy cần làm những cái gì, cái gì cần ưu tiên, cái gì cần huy động sức dân… là do chính người dân đề xuất, lập kế hoạch”. Ông Hà Quyết Nghị - |
Lý giải về sự tăng trưởng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ông Phạm Anh Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối NTM Sơn La cho biết: Mặc dù là tỉnh nghèo nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã huy động hài hòa các nguồn lực. Những mục tiêu, tiêu chí về NTM được tỉnh xác định “vừa là mục tiêu vừa là động lực”. Do đó, tỉnh đã đề ra những hướng đi, giải pháp hợp lý, hiệu quả.
Về vấn đề này, ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La cho biết: Với nông dân, nông nghiệp và nông thôn miền núi, việc xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch chỉ có thể hoàn thành được nhờ hiệu quả công tác khảo sát, nắm bắt thực tiễn, đánh giá tình hình sát thực. Từ đó mới xây dựng được những tiêu chí phấn đấu cũng như có kế hoạch bám nắm địa bàn để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện. Nhờ làm tốt những việc này nên Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Sơn La nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Nhiều địa bàn nông dân còn xung phong được đóng góp nhiều hơn để nhanh chóng đạt được những tiêu chí NTM như điện, đường giao thông, nhà văn hóa, nhà lớp học…
Ngoài hàng nghìn tỷ đồng vốn được lồng ghép từ nhiều nguồn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, tỉnh Sơn La cũng tập trung cao chỉ đạo, ban hành nhiều dự án, chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. “Chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành NTPTNT tỉnh đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện 28 tiêu chí cơ bản liên quan chặt chẽ tới bát cơm – manh áo của người dân, như diện tích các loại cây trồng, sản lượng các loại cây trồng, số lượng đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, sữa tươi, thịt hơi; cây ăn quả ngắn ngày, dài ngày… Những con số, những chỉ tiêu kế hoạch cơ bản ấy lại được cụ thể hóa ra hàng trăm kế hoạch chi tiết khác: Vốn lấy từ đâu, đơn vị nào thực hiện, thời gian triển khai… Nhờ thế nên các kế hoạch về vốn, nhân sự luôn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo hiệu quả cao” – ông Nghị nói.
Khởi sắc nơi bản khó
Ông Lò Văn Thi - dân tộc Sinh Mun ở bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La cho biết: “Khi được nghe, được thấy những mục tiêu kế hoạch hàng năm của tỉnh, huyện, xã, chúng tôi hiểu rằng Nhà nước rất quan tâm đến nông dân. Cũng nhờ đó dân chúng tôi cũng phải phấn đấu nhiều hơn. Khi tôi được nhận con bò hỗ trợ hộ nghèo, tôi cũng bảo vợ, con mình: Nhà nước vừa cho dân bản mình cái đường bê tông, lại lo cho dân mình con giống, cây giống, bảo cách làm ăn nên mình phải phấn đấu lên, phải làm tốt lên cho Nhà nước vui và mình cũng vui”. |
Từ chỗ nhiều người còn nghi ngờ, e ngại về tính khả thi của chương trình xây dựng NTM, đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có hàng trăm nghìn hộ gia đình tự nguyện đóng góp cho NTM, bao gồm cả đóng góp về trí tuệ, hiến đất, hiến ngày công, tài sản, thậm chí đóng góp cả tiền mặt.
Những thay đổi trong nhận thức đã chuyển thành hành động, từ đó diện mạo tam nông ở Sơn La đã có những khởi sắc rõ nét. Không chỉ ở những địa bàn thuận lợi như TP.Sơn La, huyện Mai Sơn, Mộc Châu, ngay ở những xã vùng cao heo hút của các huyện đặc biệt khó khăn như: Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, Vân Hồ, Phù Yên…, phong trào xây dựng NTM cũng thu được nhiều kết quả không nhỏ.
Xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp trước đây từng nổi tiếng về sự khó khăn với câu thành ngữ “Mường Lèo không thể đi một lèo”. Bởi, từ trung tâm huyện đến trung tâm xã ít nhất cũng mất 2 ngày đi bộ. Nhưng hiện tại, trên mảnh đất này đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình sản xuất giỏi; lĩnh vực văn hóa, giáo dục – đào tạo được các cấp, ngành quan tâm đúng mức. Những giống lúa, ngô, cây ăn quả chất lượng cao; những đàn gà, lợn, ngan, ngỗng, bò lai sinh sôi ngày một nhiều, giúp nông dân cải thiện đời sống, tăng thu nhập. Trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, nước sinh hoạt… được đầu tư mạnh mẽ.
“Chính sự thay đổi ở vùng quê nghèo này đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tin tưởng hơn vào Chương trình xây dựng NTM – chương trình của dân, do dân và vì dân. Khi tôi rào lại hàng rào quanh nhà cho gọn và đẹp hơn hay đầu tư làm nhà vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn, tham gia bảo vệ rừng và nguồn nước…, tôi đều nghĩ rằng mình đang góp phần làm NTM cùng nông dân cả nước” - ông Đinh Văn Quyết, dân bản Vường, xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ.
Theo Kiều Thiện/ Dân Việt