Sơn La - Phát huy nền tảng nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp phát triển

Sơn La - Phát huy nền tảng nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp phát triển
Là tỉnh miền núi còn nghèo, đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp, thúc đẩy công nghiệp phát triển, từng bước nâng cao đời sống nhân dân là phương châm được tỉnh Sơn La lựa chọn.


 

Phát huy nền tảng nông nghiệp

Có thể nói Sơn La là một tỉnh có đất đai màu mỡ, tầng canh tác dày, diện tích đất trống đồi núi trọc chưa được khai thác còn lớn. Hiện toàn tỉnh còn 80 vạn ha đất trống đồi núi trọc chưa được khai thác sử dụng. Trong đó có 13,7 vạn ha đất và mặt nước có khả năng sản xuất nông nghiệp.
Điều kiện thiên nhiên ưu đãi tạo cho Sơn La tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp hàng hoá có lợi thế với quy mô lớn mà ít nơi có được ví như sản phẩm Chè đặc sản chất lượng cao trên cao nguyên Mộc Châu, Nà Sản; phát triển cây cà phê, rau sạch, hoa và cây cảnh, trồng dâu, nuôi tằm…. Tỉnh còn có tiềm năng chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn bò sữa đã được phát triển trên 40 năm và đang ngày càng mở rộng. Dự kiến đến năm 2013 tỉnh sẽ phát triển được 10 vạn con bò sữa, 25 vạn con bò thịt chất lượng cao. Tiềm năng khí hậu đất đai cũng cho phép Sơn La phát triển các loại cây ăn quả cận ôn đới, nhiệt đới, á nhiệt đới với quy mô trên 3 vạn ha. 
Nằm ở vị trí đầu nguồn của 2 con sông lớn: Sông Đà, Sông Mã nên Sơn La không chỉ là địa bàn phòng hộ xung yếu cho vùng đồng bằng Bắc bộ với 2 công trình thuỷ điện lớn nhất nước mà còn là địa bàn có tiềm năng để phát triển rừng nguyên  liệu với quy mô trên 20 vạn ha cung cấp nguyên liệu cho chế biến lâm sản, chế biến giấy, bột giấy. 
Tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá là tiền đề cho tỉnh phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm sản như: Chế biến chè, sữa, cà phê, tơ tằm, thịt, giấy, thức ăn gia súc ... tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu. 
Vượt lên những khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng của biến động giá cả... những năm qua ngành nông nghiệp Sơn La duy trì được tốc độ tăng trưởng 6%/năm. Tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2009-2011 chiếm trên 40% tổng sản phẩm (GDP) toàn tỉnh (năm 2009 chiếm 43,6%; năm 2010 chiếm 41,4%; năm 2011 chiếm 44,5%).
Đến năm 2015, ngành nông nghiệp Sơn La phấn đấu chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ tăng tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 5-6%/năm, giá trị tăng thêm tăng bình quân 4,5-5%/năm. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2015 có 55 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, ngành nông nghiệp Sơn La cũng xây dựng cơ chế chính sách kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến hợp tác triển khai khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.
Động lực phát triển công nghiệp
Nếu như điều kiện tự nhiên về khí hậu, đất đai được coi là nền tảng để phát triển kinh tế nông nghiệp thì tài nguyên, khoáng sản chính là động lực để thúc đẩy công nghiệp Sơn La phát triển. Theo khảo sát, tỉnh hiện có trên 150 điểm khoáng sản. Trong đó có những loại khoáng sản quý như Niken - đồng bản Phúc - Mường khoa Bắc Yên; Ma nhê Zít - bản Phúng Sông Mã; Mỏ than suối Bàng Mộc Châu; Than Quỳnh Nhai và nhiều khoáng sản quý khác như vàng, thủy ngân.... Chủ trương của tỉnh là phát triển công nghiệp khai thác gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản phục vụ cho phát triển công nghiệp địa phương. Dự kiến sẽ đầu tư các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng như Nhà máy luyện đồng Phù Yên, Nhà máy luyện gang thép Mường La, Nhà máy luyện đồng Tân Hợp Mộc Châu…
Đặc biệt, nguồn đá vôi, sét cao lanh trữ lượng lớn, chất lượng tốt cho phép Sơn La có thể phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như: xi măng, cát chất lượng cao, đá xây dựng, gạch không nung, đá ốp lát ... Hiện tỉnh đã có Nhà máy xi măng tại Nà Pát – Mai Sơn đang đi vào hoạt động với công suất 2.500 tấn Clanke/ngày và các nhà máy gạch tuynen với tổng công suất 87 triệu viên /năm.  
Ngoài các công trình thủy điện lớn như Thủy điện Sơn La 2.400 MW, thủy điện Huội Quảng 560 MW, Nậm Chiến I 210 MW, Nậm Chiến II 32 MW, trên địa bàn đã và đang triển khai 56 công trình thuỷ điện vừa và nhỏ. Hiện đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 193MW.
Các hồ thuỷ điện đều cần có hồ chứa để tích nước phát điện và đây trở thành vùng nuôi trồng thủy sản rất lý tưởng. Có thể nói thủy điện cùng với nền tảng nông nghiệp vững mạnh chính là cơ hội, động lực thúc đẩy cho ngành công nghiệp chế biến của Sơn La phát triển. Hiện tỉnh đã từng bước hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hộ nông dân; gắn kết vùng nguyên liệu chuyên canh với các nhà máy chế biến như Nhà máy chế biến sữa Mộc Châu công suất 32 triệu lít/năm, các nhà máy chè công suất 6.000 tấn/năm, đường Mai Sơn công suất 2.500 tấn mía cây/năm… . Ngoài ra còn rất nhiều các cơ sở sản xuất chế biến rượu ngô, rượu chuối Yên Châu, mận Mộc Châu…. Sơn La còn đang khuyến khích đầu tư chế biến các mặt hàng từ tre như ván ép, chiếu, đũa…
Nhằm tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển, tỉnh đang hình hành khu công nghiệp Mai Sơn, 3 cụm công nghiệp tại huyện Mộc Châu, Phù Yên và Mường La, đã quy hoạch 28 cụm công nghiệp tại thành phố và các huyện khác.
Mục tiêu Sơn La đặt ra cho năm 2012 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 1.892 tỷ đồng và con số kỳ vọng đến năm 2015 sẽ đạt 3.000 tỷ đồng./.
Hồng Dương

 

 


 Ý kiến của bạn  Gửi cho bạn bè
Theo ven.vn