Sông Lô quyết về đích cuối 2017

Sông Lô quyết về đích cuối 2017
Hiện huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã có 9/16 xã về đích nông thôn mới (NTM). Theo kế hoạch, cuối năm 2016 sẽ có 3 xã nữa về đích và năm 2017 huyện sẽ đạt chuẩn NTM. Đâu là cơ sở để Sông Lô đặt ra mục tiêu này?

Sức bật từ sự đồng thuận

Sông Lô là huyện mới được tách ra từ huyện Lập Thạch năm 2009 nên điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, khi bắt tay vào xây dựng NTM năm 2010, huyện đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, dần hoàn thành các tiêu chí quan trọng.

Theo đó, hiện Sông Lô đã có 9/16 xã về đích NTM, dự kiến cuối năm 2016 thêm 3 xã sẽ về đích, tiếp theo 4 xã còn lại sẽ về đích vào cuối năm 2017. Theo báo cáo của huyện, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt gần 25 triệu đồng; 100% xã đạt chuẩn tỷ lệ nghèo theo tiêu chí NTM. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã được cứng hóa đạt 86,9%; đường trục thôn, liên thôn đạt 77%; đường ngõ, xóm đạt 47%. Hệ thống thủy lợi liên tục được cải tạo, nâng cấp, dần đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu và phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp. Cơ sở vật chất trường học được chú trọng, theo đó toàn huyện đã có 42/50 trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện sông Lô đã có 16/16 xã có nhà văn hóa xã, 9/16 xã có trung tâm văn hóa thể thao, không còn nhà tạm, dột nát…

 

Nhiều tuyến đường ở xã Tân Lập (huyện Sông Lô) đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp. Ảnh: V.T

Lãnh đạo huyện cho biết, có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của người dân. Trong đó, chính quyền đã cụ thể hóa bằng các công việc như: Tập trung phát triển kinh tế; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhân rộng những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình lợn hướng nạc, cá rô phi đơn tính, mô hình trồng ổi, cà chua ghép… Ngoài ra, lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng rất được huyện chú trọng với nhiều cơ sở sản xuất hiệu quả như Mây tre đan Cao Phong, đá Hải Lựu, rắn Bạch Lưu…

Năm 2015, huyện Sông Lô có 13.268 hộ đạt gia đình văn hóa; 155/175 chi hội nông dân đăng ký thi đua chi hội không có người sinh con thứ 3; 6.570 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp; hơn 880 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

 

 

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM. Theo đó, trong 5 năm huyện đã huy động doanh nghiệp đóng góp hơn 104 tỷ đồng và nhân dân đóng góp trên 60 tỷ đồng.

Ngoài ra nhân dân còn hiến trên 92.000 ngày công và hơn 162.000m2 đất, tháo dỡ hàng nghìn mét tường rào, chặt bỏ hàng nghìn cây cối bàn giao mặt bằng để xây dựng các công trình phúc lợi… Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Dĩ, thô Lê Xoay, xã Nhân Đạo đã hiến 100m2 đất vườn, chặt một cây trám trắng hơn 40 năm tuổi để thôn mở rộng đường mà không hề yêu cầu đền bù, hỗ trợ.

Theo bà Trịnh Thị Bình – Trưởng phòng NNPTNT huyện Sông Lô, ngoài phát triển các cây, con và các ngành nghề như đã nói ở trên, trong thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Lô. “Đây là một tiềm năng lớn chưa được đánh thức hiệu quả, do đó trong thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân xây dựng lồng bè để nuôi cá trên sông Lô, với các loại cá đặc sản như cá lăng, nheo, trắm…” – bà Bình cho hay.

 Nỗ lực về đích đúng hẹn

Theo kế hoạch, năm 2016 huyện Sông Lô sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM là: Phương Khoan, Bạch Lưu và Đôn Nhân. Một trong các khó khăn của việc đưa các xã này về đích là đa số các xã đều năm trong diện xã 134, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn yếu; đất canh tác nhỏ lẻ, rất khó áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nên thu nhập của người dân còn thấp. Đặc biệt, các tiêu chí còn lại đều là các tiêu chí khó, liên quan đến kinh phí như: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, môi trường… nên việc hoàn thành các tiêu chí gặp rất nhiều khó khăn.

 

Trụ sở UBND xã Đôn Nhân (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã được đầu tư xây mới khang trang. Ảnh: V.T

Theo khảo sát, hiện xã Bạch Lưu đã đạt 15/19 tiêu chí, còn lại 4 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, y tế và môi trường đang tiếp tục hoàn thiện. Theo ông Nguyễn Văn Đang – Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu, trong 4 tiêu chí chưa đạt, khó nhất là cơ sở vật chất văn hóa. “Vì các nhà văn hóa thôn của xã đều đã xây từ lâu, xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn, nếu xây mới thì cần rất nhiều kinh phí nên chúng tôi đang cố gắng vận động người dân đóng góp, song rất cần sự hỗ trợ của huyện, tỉnh để xã hoàn thành các tiêu chí còn lại” – ông Đang nói.

Cùng với đó, các xã Đôn Nhân, Phương Khoan hiện cũng đã đạt 14/19 tiêu chí. Song cũng như xã Bạch Lưu, 2 xã này cũng đang gặp khó ở các tiêu chí như cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, giao thông. Theo đó, nghĩa trang ở cả 3 xã hiện đều chưa đạt chuẩn NTM; chất thải, nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý theo quy định… Chia sẻ về lộ trình về đích, bà Bình nói: “Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng huyện sẽ nỗ lực về đích đúng hẹn vào cuối năm 2017”.

Theo: Nam Tùng Sơn/danviet.v