Sông Lô trụ vững trong thế khó

Sông Lô trụ vững trong thế khó
Là một huyện mới của tỉnh Vĩnh Phúc, Sông Lô tách ra từ huyện Lập Thạch năm 2009.

Hiện Sông Lô có 16 xã và 1 thị trấn. Là huyện miền núi, đất rừng chiếm hơn 1/3 diện tích toàn huyện, đời sống nhân dân Sông Lô còn gặp nhiều khó khăn…

10-28-54_img_sl-018
Huyện Sông Lô vừa có núi, vừa có đồi, vừa có sông Lô chảy qua.

Sông Lô có diện tích đất tự nhiên 15.031 ha. Đất nông nghiệp 11.193 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 7.041 ha, đất trồng lúa 3.616 ha, đất rừng sản xuất 2.917 ha, đất rừng phòng hộ 1.081 ha, mặt nước nuôi trồng thủy sản 152 ha. Dân số hơn 25.000 hộ, với 102.650 khẩu.

Sản xuất ngành chăn nuôi 2016 của Sông Lô khá thuận lợi, giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi cao, có tác động tích cực đến chăn nuôi trên địa bàn huyện. Quy mô chăn nuôi phát triển, đặc biệt là chăn nuôi lợn.

Tuy nhiên sự “khởi sắc” trong chăn nuôi năm 2016, lại là nguyên nhân dẫn đến cái khó trong năm 2017. Đa số các hộ chăn nuôi lợn, nhất là các hộ có trang trại lớn, có đàn lợn nái nhiều, đều trong tình trạng “ngoắc ngoải” hoặc có nguy cơ “sập tiệm” do không chịu nổi chi phí chăn nuôi, khi mà đầu ra bế tắc với giá bán rẻ như cho. Một số hộ chăn nuôi có tiếng, như hộ ông Nguyễn Văn Lạn, hộ anh Nguyễn Văn Cường (xã Đôn Nhân) đã phải thanh lý bớt lợn bột, lợn thương phẩm, kể cả lợn nái…

Trong tình hình ấy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp của các cơ quan liên quan và sự vào cuộc, cố gắng, nỗ lực của bà con nông dân trong huyện, đã dần dần vực dậy, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, mở rộng và tăng cường diện tích rau màu. Phát triển và nâng cao năng suất các cây màu chủ lực như ngô, cây củ có chất bột, cây có hạt chứa dầu…

10-28-54_img_dn-016
Giống ổi Đài Loan đang được ưa chuộng và nhân rộng

Năm 2017, Sông Lô chú trọng và quản lý tốt mặt nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Huyện phối hợp với Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp quy mô trên 14 ha với 12 hộ tham gia ở các xã Đôn Nhân, Hải Lựu, Nhạo Sơn, Tân Lập, Lãng Công…Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 900 ha, sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 1.489 tấn.

Với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã tập trung vào các xã chưa về đích. Hiện nay, với sự nỗ lực, huyện Sông Lô đã đạt được một số kết quả nhất định, chất lượng các tiêu chí dần dần được nâng lên.

Đối chiếu với bộ tiêu chí Quốc gia, đến cuối năm 2016, toàn huyện đã có 9/16 xã là Đồng Thịnh, Đồng Quế, Nhạo Sơn, Tân Lập, Lãng Công, Yên Thạch, Cao Phong, Nhân Đạo, Hải Lựu được UBND tỉnh công nhận là đạt chuẩn NTM. Các xã Đôn Nhân, Bạch Lưu, Phương Khoan đã đề nghị UBND tỉnh xét đạt chuẩn NTM năm 2016. Hai xã Quang Yên, Đức Bát cũng đang phấn đấu để đạt chuẩn NTM năm 2017…

Là một huyện nghèo, nên huyện Sông Lô chú trọng đến việc giảm nghèo và cận nghèo. Đồng Quế là xã có tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Xã Nhân Đạo tạo được diện mạo mới, phát triển mọi mặt tương đối đồng đều. Nhạo Sơn là điểm sáng về nuôi trồng thủy sản của huyện.

Đồng bào dân tộc Dao ở xã Lãng Công có phong trào xây dựng NTM theo phong cách của đồng bào dân tộc. Đó là kinh tế phát triển, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giảm các hủ tục lạc hậu. Từ đó đời sống văn hóa được nâng cao, trong điều kiện vùng nông thôn miền núi.


Theo: Đỗ Bảo Châu/nongnghiep.vn