Sự chuyển dịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích cực

Năm 2014 đã kết thúc. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức và bất cập, song chúng ta có thể tự hào về những kết quả nổi bật đã đạt được trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh ta. Về cơ cấu ngành kinh tế, cùng với tốc độ tăng cao liên tục và khá ổn định của GDP 13-14%/năm, cơ cấu ngành kinh tế đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực. Theo số liệu của Cục Thống kê, so với năm 2013, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy tiếp tục tăng 7,8% song tỷ trọng đã giảm xuống còn 38,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 20,8% và chiếm tỷ trọng 26,2%; khu vực dịch vụ tăng 17,1% và chiếm tỷ trọng 35,3%.
Làm cỏ vườn cà rốt của bà con nông dân phường 11, Trại Mát, Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn
Về cơ bản, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có sự chuyển dịch ngày càng tích cực hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quan hệ sản xuất ngày càng phù hợp hơn; do đó đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội nông thôn theo hướng ngày càng tăng thêm các hộ làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, trong khi số hộ làm nông nghiệp thuần túy giảm dần. Đời sống dân cư nông thôn tiếp tục được ổn định, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, giảm mạnh.
 
Kết quả chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và nông thôn là một trong những nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất đưa đến các kết quả, thành tựu tăng trưởng kinh tế khả quan chung toàn tỉnh, tạo ra những tiền đề vật chất trực tiếp để chúng ta giữ được các cân đối về thu chi ngân sách, vốn tích lũy..., góp phần bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chương trình về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các vùng khó khăn, các chương trình tín dụng cho người nghèo và chính sách hỗ trợ trực tiếp đã mang lại kết quả rõ rệt.
 
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, khu vực nông nghiệp tuy vẫn giữ được mức độ tăng trưởng cao song nhịp độ đã chững lại, tốc độ chuyển dịch cơ cấu còn chậm và chất lượng chưa cao, trình độ kỹ thuật công nghệ nhìn chung vẫn ở mức trung bình. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản vẫn chưa phát triển, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu chưa qua chế biến hoặc chế biến thô vẫn cao. Việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn chậm… Đặc biệt, nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, kể cả những loại hàng nông sản chủ lực của tỉnh như rau, hoa… vẫn chưa thể tự sản xuất được, phải nhập khẩu hầu như toàn bộ, có nguy cơ biến nền nông nghiệp của tỉnh trở thành “nền nông nghiệp gia công”, dễ bị động và hiệu quả, giá trị gia tăng thấp. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông sản phẩm còn thấp. Bên cạnh đó, còn có tình trạng hàng nông sản của nước ngoài kém chất lượng, nhập lậu, đội lốt thương hiệu tỉnh, trà trộn trên thị trường làm cho hàng nông sản của tỉnh bị ảnh hưởng uy tín, khó khăn trong tiêu thụ.
 
Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và phát triển các thành phần kinh tế còn chậm. Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhìn chung còn thấp. Doanh nghiệp tư nhân là nhân tố quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, nhưng quy mô nhỏ bé, chủ yếu là dịch vụ và chỉ phát triển mạnh ở ven đô thị, hoặc nơi có kết cấu hạ tầng tương đối phát triển. Các tổ chức kinh tế hợp tác chậm phát triển, thiếu sự liên kết, giúp đỡ kinh tế nông hộ.
 
Cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm, cơ bản vẫn là thuần nông. Đáng quan tâm là tình trạng thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định đang diễn ra khá phổ biến, không chỉ trong những tháng nông nhàn; hiệu quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thấp... Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, thiếu cầu, đường và các dịch vụ công cộng tối thiểu…
 
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cần tập trung đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng từ bỏ mô hình “nông nghiệp gia công”, sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thô dạng nguyên liệu trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ chế biến nông sản tiên tiến, hiện đại.
 
Thúc đẩy quá trình chuyển mạnh sang sản xuất các loại sản phẩm có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; phát triển chăn nuôi tập trung và nâng cao chất lượng; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát. Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, bảo đảm hiệu quả bền vững. Gắn hoạt động xuất, nhập khẩu với việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, tham gia vào quá trình phân công và hợp tác lao động quốc tế có hiệu quả. Đồng thời, coi trọng và phát triển thị trường trong nước, tổ chức tốt việc tiêu thụ nông, lâm sản, thủy sản cho nông dân gắn với quá trình hình thành các trung tâm kinh tế thương mại có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
 
Tiếp tục đưa nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng giống cây trồng, giống vật nuôi, kỹ thuật canh tác và môi trường, công nghệ sau thu hoạch; ứng dụng mạnh công nghệ sinh học và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi… Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản…
 
Tăng và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án để tiếp tục phát triển mạnh hơn cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn; uu tiên đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm tại chỗ và ngoài khu vực nông thôn, kể cả đi lao động ở nước ngoài, nhằm đáp ứng cho yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
 
Tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho chương trình xóa đói giảm nghèo, trợ giúp thiết thực cho các vùng và cộng đồng dân cư còn nhiều khó khăn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống khuyến nông, nâng cao dân trí và có chính sách tín dụng cho người nghèo từng bước vượt qua khó khăn, thoát nghèo và nâng cao mức sống một cách bền vững… Đẩy mạnh và tăng cường chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện ngày càng có nền nếp quy chế dân chủ ở nông thôn; đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn, buôn văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc…
Theo: baolamdong.vn