Sửa đổi Quyết định 80 về liên kết tiêu thụ nông sản: Bốn nhà phải liên kết từ sản xuất
- Thứ hai - 14/05/2012 03:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Điểm mới của đề án lần này không chỉ "hớt" phần ngọn là liên kết tiêu thụ, mà sẽ tạo cơ chế để "bốn nhà" liên kết từ khâu sản xuất với nhau.
Mô hình liên kết trồng khoai tây ở xã Tân Thịnh (Bắc Giang) cho hiệu quả cao. |
Sản xuất theo hợp đồng
Vụ đông xuân vừa qua, ông Diêm Lập Trọng- Trưởng thôn Sậm, xã Tân Thịnh (Lạng Giang, Bắc Giang) đã mạnh dạn mượn hơn 16 mẫu ruộng để trồng khoai tây. Ông được Công ty Tân Nông - một doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến khoai tây ký hợp đồng đặt hàng một số lượng lớn khoai tây. Với việc sản xuất có hợp đồng từ trước như thế, riêng trong vụ đông xuân vừa qua, ông Trọng đã "kiếm" được 300 triệu đồng. Vụ tới, ông sẽ tiếp tục ký hợp đồng để trồng 10ha khoai.
Ông Đặng Đình Thìn - Phó Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Thịnh cho biết: "Nhờ việc triển khai mô hình liên kết, năm 2011, đã có 280 hộ trong HTX trồng khoai tây, 300 hộ trồng cà chua bi; mô hình trồng cây thuốc lá 2 vụ cũng đã mở rộng diện tích lên tới 120ha, cùng các mô hình trồng nấm, trồng hoa chất lượng cao… đều được triển khai theo hình thức "bốn nhà" cùng sản xuất".
Ông Đặng Quang Tạo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh giải thích: Để thực hiện mô hình này, chúng tôi đã mời nhà khoa học (các viện nghiên cứu) tham gia vào tư vấn, cung cấp nguồn giống và hỗ trợ kỹ thuật. Còn doanh nghiệp hỗ trợ nông dân tiền mua giống, phân bón và ký hợp đồng đảm bảo bao tiêu sản phẩm. Nông dân tham gia góp vốn bằng diện tích ruộng đất, công chăm sóc và không phải lo đầu ra cho sản phẩm". Chính quyền có vai trò như "trọng tài" đảm bảo doanh nghiệp và nông dân làm đúng hợp đồng.
Để nông dân không thiệt thòi
Ông Hà Văn Hiền - Giám đốc Công ty Tân Nông (Bắc Giang) cho biết: "Cái lợi của mô hình này là, khi tham gia mô hình liên kết, người dân đã sản xuất theo đúng quy trình và cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, nên chúng tôi đã chủ động được nguồn nguyên liệu. Song để có một vùng nguyên liệu lớn, đồng đều, chúng tôi rất cần nhà nước hỗ trợ quy hoạch các khu sản xuất nông sản tập trung".
Là thành viên của tổ soạn thảo "Đề án thúc đẩy liên kết sản xuất", TS Lê Đức Thịnh - Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho biết: "Mục đích của đề án này là, thay thế một số điểm còn tồn tại khi triển khai QĐ 80. Một trong những hạn chế đó phải kể tới, đó là việc chưa xác định được "nhạc trưởng" trong liên kết "4 nhà".
Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Bùi Bá Bổng
Mặt khác, vai trò của nhà khoa học còn chưa đủ tầm, chưa rõ nét, mối liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông chưa chặt chẽ… Một hạn chế nữa của QĐ 80 cần được sửa đổi là, việc liên kết giữa các "nhà" còn lỏng lẻo, doanh nghiệp chỉ tính toán phần lợi nhuận cho riêng mình, dẫn tới thiệt thòi vẫn thuộc về nông dân.
Ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: "Hiện Bộ Công Thương đã xây dựng thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp ở 12 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, theo ông Chiến, hạn chế lớn của chúng ta hiện nay là việc tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu liên kết đã dẫn tới lợi thế so sánh khó khăn, thiệt thòi nhất cuối cùng vẫn là người nông dân. Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh liên kết với nhiều hình thức để giúp nâng cao chuỗi giá trị hàng hoá, hình thành vùng sản xuất lớn…
(theo Thanh Xuân
danviet.vn)