Sức bật từ 'Tam nông' - Bài 2: Tạo chuyển biến mạnh

Đúc kết thành quả và kinh nghiệm thực tiển qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết "Tam nông"), Trà Vinh đang tiếp tục nỗ lực xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn hiện đại để đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020.
Đường về nông thôn ấp Giồng Lớn, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Ảnh: travinh.gov.vn

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng cho biết, Nghị quyết "Tam nông" đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tỉnh. Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém.

Cụ thể, nông nghiệp và nông thôn của tỉnh có điểm xuất phát thấp so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp.

Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết “Tam nông” là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Toàn Đảng bộ tỉnh cần đúc kết và phát huy kinh nghiệm thực tiễn trong 10 năm qua để phát triển nông nghiệp, nông thôn ở trình độ cao hơn, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo.

Kinh nghiệm thực tiễn của tỉnh Trà Vinh trong xây dựng và phát triển “Tam nông” là sự quyết tâm chính trị, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Người đứng đầu thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời nắm bắt những cách làm hay, những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Từ đó, kịp thời tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên, khen thưởng để nhân rộng những điển hình tốt.

Bên cạnh đó, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cấp ủy, chính quyền từng địa phương cần xác định trọng tâm, trọng điểm để đề ra giải pháp phù hợp, chọn khâu đột phá để từ đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Trong xây dựng nông thôn mới, yếu tố hàng đầu đối với các cấp ủy, chính quyền là thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, đảm bảo “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”.

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết, có được kinh nghiệm thực tiễn qua 10 năm, Tỉnh ủy Trà Vinh đề cao hơn về vai trò, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để tiếp tục đưa Nghị quyết "Tam nông" “bám rễ” sâu hơn vào cuộc sống.

Cụ thể, tỉnh đã đề ra các mục tiêu quan trọng để phấn đấu thực hiện từ nay đến năm 2025 như: tốc độ tăng trưởng nông, lâm thủy sản đạt 2,5 - 3 % / năm, phát triển nông nghiệp đi đôi với  công nghiệp nông thôn.

Đồng thời, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn cao hơn 1,5 lần so năm 2018; lao động nghiệp còn dưới 35 % lao động xã hội. Tỉnh có 65 % lao động nông thôn được đào tạo nghề; có 65 % xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 3 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Để đạt được các mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đề ra, tỉnh Trà Vinh đang tập trung thực thi nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các thành phần kinh tế tham gia để tạo  nguồn lực mạnh mẽ trong thực hiện. Giải pháp được xem là “chìa khóa” để mở rộng cửa cho nông nghiệp, nông thôn đi đến trình độ cao hơn là sự gắn kết nông nghiệp - công nghiệp - khoa học công nghệ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết, thực hiện Nghị quyết "Tam nông" được tỉnh xác định là vị trí chiến lược quan trọng, là lực lượng chủ yếu để phát triển kinh - tế xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng. Vì thế, trong chiến lược phát triển, tỉnh đang tập trung  đổi mới về cơ chế, chính sách, tập trung ưu tiên, ưu đãi để huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp nghiệp, nông thôn.

Cụ thể, tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án về công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến. Các dự án gồm có: dự án nuôi tôm nước lợ công nghệ cao, quy mô từ 100 - 200ha; dự án hợp tác liên kết nuôi tôm sinh thái (tôm - rừng, tôm - lúa) xuất khẩu, quy mô từ 800 - 1.000ha.

Dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa, quy mô từ 20.000 - 30.000 ha. Dự án phát triển chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ bò ở các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, quy mô trên 5.000 con/dự án.

Dự án xây dựng nhà máy đóng, sửa chữa tàu thuyền và sản xuất gia công cơ khí, quy mô 70.000 tấn/năm; dự án nhà máy sơ chế, chế biến trái cây các loại, quy mô từ 30.000 - 40.000 tấn/năm. Dự án nhà máy chế biến các sản phẩm từ đậu phộng, quy mô từ 3.000 - 5.000 tấn/năm.

Về lĩnh vực du lịch, hạ tầng kỹ thuật gồm các dự án khu văn hoá, du lịch Ao Bà Om, quy mô gần 65 ha; dự án khu Du lịch khoáng nóng Duyên Hải, quy mô 30ha.

Các dự án trọng điểm được kêu gọi đầu tư, ngoài chính sách chung của Trung ương, tỉnh thực hiện ưu đãi ở nhiều lĩnh vực như chính sách đất đai; hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ kinh phí xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch,…

Cùng với sự tập trung phát triển công nghiệp để chuyển dịch kinh tế nông thôn, tỉnh triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, tỉnh đẩy mạnh công tác vận động nhân dân tham gia, tăng nguồn ngân sách lồng ghép với các nguồn vốn khác để phát triển hệ thống hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Từ đó, giúp cư dân nông thôn sản xuất bền vững, hiệu quả,  nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình.

 
Theo Phúc Sơn (TTXVN)