Sức bật từ liên kết chuỗi giá trị sản phẩm
- Thứ ba - 05/04/2016 22:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sản xuất măng tre Bát Độ xuất khẩu tại Công ty CP Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái).
Hiệu quả từ liên kết HTX với DN
Chúng tôi đến thăm và khảo sát thực tế quy trình sản xuất khép kín từ trồng, thu gom, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát Độ của HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Đây là mô hình liên kết giữa HTX với HTX và HTX với DN do Liên minh HTX tỉnh Yên Bái khởi xướng tư vấn, triển khai từ hai năm trước.
Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành Trần Ngọc Sử cho biết, từ năm 2015 đến nay, HTX đã thu gom, tiêu thụ hơn 90% sản lượng măng tre Bát Độ của thành viên HTX và người dân với doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng, đây được coi là mức thu nhập khá ổn với đồng bào vùng cao. Ngoài ra, điều đáng mừng là sau khi HTX tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012, dù mới được thành lập nhưng HTX Kiên Thành đã phát huy tốt vai trò của mình qua việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm của nông dân trong vùng. Trong hoạt động của HTX, đã thấy rõ hiệu quả mối liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái), thông qua hợp đồng kinh tế có phân chia trách nhiệm các bên trong “chuỗi” quy trình gồm: trồng, thu gom, sơ chế, chế biến sâu và xuất khẩu sản phẩm măng Bát Độ, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, do kinh nghiệm còn hạn chế cùng với nguồn vốn eo hẹp cho nên HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển dây chuyền sản xuất, đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu,...
Tương tự, HTX 6/12 huyện Trấn Yên và HTX Công Tâm huyện Văn Yên (Yên Bái) cũng là những điển hình trong liên kết về chuỗi giá trị của tỉnh Yên Bái khi cùng nhau liên doanh với DN An Thịnh Cường Phát để khép kín quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tinh dầu quế. Giám đốc HTX 6/12 Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Mối liên kết này mở ra hiệu quả bất ngờ, từ chỗ quế nguyên liệu thứ phẩm trước đây bán với giá rất rẻ, nay HTX đã tận dụng 100% số cành và lá quế làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu, khai thác triệt để và nâng giá trị cây quế gấp hai đến ba lần so với trước đây. Các hoạt động liên kết này đã giúp các DN và HTX giảm chi phí đầu tư, chủ động được nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Tạo phong trào sâu rộng
Hiện một số tỉnh, thành phố đã triển khai phát triển các sản phẩm HTX có thế mạnh, phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng địa phương. Tuy nhiên, người dân sản xuất chưa theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm, sản phẩm thiếu đồng nhất về chất lượng cho nên được mùa thì lại mất giá,… Điều đáng nói, phần giá trị gia tăng sản phẩm chủ yếu tập trung ở khâu tiêu thụ lại do thương lái thao túng. Liên minh HTX Việt Nam xác định chuỗi giá trị sản phẩm có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì từng HTX nhỏ lẻ không thể thực hiện được chuỗi giá trị. Ngược lại, HTX cần liên kết với nhau mới đủ năng lực xuất khẩu nông sản và làm gia tăng giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp. Hiện hoạt động của khu vực KTTT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những mô hình HTX kiểu mới cũng chưa thành công nhiều. Hơn nữa, phát triển HTX kiểu mới chưa trở thành phong trào sâu rộng trên toàn quốc, nhìn chung quy mô HTX vẫn còn nhỏ, nội dung hoạt động nghèo nàn, tính liên kết còn hạn chế, cũng như năng lực nội tại của HTX còn thấp.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự, các HTX cần nhanh chóng thay đổi tư duy để bắt nhịp với hội nhập kinh tế thế giới. Đặc biệt, phát triển KTTT phải phù hợp với cơ chế thị trường gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình chuyển đổi, cần tập trung xây dựng mô hình HTX kiểu mới theo từng vùng, miền, từng sản phẩm chủ lực mà mình có thế mạnh. Để các mô hình HTX kiểu mới có bước phát triển đột phá, Liên minh HTX Việt Nam sẽ mở rộng liên kết với các tổ chức tín dụng, phối hợp đội ngũ nghiên cứu khoa học, tập trung hỗ trợ về nguồn vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cho các đơn vị thành viên. Thời gian tới, các HTX phải chuyển đổi mô hình theo hướng hình thành, phát triển mô hình các chuỗi liên kết giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân và DN. Bởi hiện nay, phần lớn các HTX chỉ có dịch vụ đầu vào cho xã viên như cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng,… trong khi các dịch vụ quan trọng như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lại chưa được quan tâm đúng mức, cho nên số HTX trên cả nước thực hiện bao tiêu nông sản cho nông dân rất ít. Đây là khâu rất quan trọng trong việc hình thành chuỗi giá trị.
Để phát triển HTX kiểu mới một cách bền vững, đáp ứng được yêu cầu mới thì giải pháp căn cơ mà các HTX cần làm, đó là sớm tổ chức lại sản xuất, trong đó, mô hình HTX kiểu mới được coi là một điểm nhấn trọng tâm. Cần tập trung các nguồn lực xây dựng cho được mô hình HTX kiểu mới phát triển gắn với các chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực; chú trọng khoa học, công nghệ và tín dụng, đồng thời liên kết những DN mạnh với HTX nhằm tạo động lực phát triển.
Cả nước hiện đang có gần 11 nghìn HTX nông nghiệp với hơn 7,5 triệu thành viên, nhưng lợi nhuận bình quân của mỗi HTX này chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động ước đạt khoảng một triệu đồng/người/tháng.
Theo: nhandan.com.vn