Sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Hàng chục hộ dân ở thôn Phú Đa 2 (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) đã dỡ nhà, công trình phụ và hàng rào hiến đất cho địa phương mở đường. Những hộ khác thì quyên góp, ủng hộ tiền, ngày công... Việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới đã và đang làm cho những người nông dân xích lại gần nhau, đoàn kết, nghĩa tình hơn để cùng xây dựng quê hương giàu đẹp…

 

Nhân dân thôn Phú Đa 2 hiến đất mở rộng đường giao thông ngõ xóm.

Dỡ nhà, hiến đất 

Nằm ven dòng sông Tích hiền hòa, thôn Phú Đa 2 giữ được nét quê bình dị, êm đềm. Đầu năm 2017, khi xã Cần Kiệm triển khai xây dựng giao thông gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, cả làng quê bỗng trở nên sôi nổi với tinh thần chung sức cho phong trào. Ông Kiều Văn Bảng cho biết, cả 3 người con của gia đình đều nhất trí, mỗi gia đình hiến từ 15m2 đến 20m2 đất. Hơn thế, các con ông còn phá dỡ một phần ngôi nhà đang sinh sống và các công trình phụ do nằm vào diện tích mở rộng đường. Ông Bản nói: "Cũng tiếc lắm, nhưng tôi bảo các con, sống có tình làng nghĩa xóm. Ngày xưa đói khổ còn không tiếc, bây giờ cuộc sống đã khấm khá hơn, phải mở đường để cả thôn cùng phát triển”.

Còn ở xóm Trại, chuyện gia đình ông Tạ Văn Huệ hiến đất mở đường khiến ai cũng khâm phục. Gia đình ông Huệ vừa hoàn thiện công trình phụ gồm nhà tắm, khu vệ sinh, nhà bếp, trị giá khoảng 80 triệu đồng. Vậy nhưng khi có chủ trương mở rộng đường làng, ông Huệ vẫn xung phong hiến đất dù lấn vào công trình mới xây tới 1m. Hiến đất, phá bỏ công trình nhưng ông Huệ vẫn vui bởi ông cho rằng nếu ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình thì tuyến đường sẽ không thể hoàn thành.

Nói về phong trào này ở thôn Phú Đa 2, Bí thư Chi bộ thôn Tạ Văn Tâm cho biết: Thôn có 2 xóm. Hệ thống giao thông trước đây đã được cứng hóa nhưng mặt đường nhỏ (trung bình chỉ từ 1,8 đến 2,3m) và đã xuống cấp. Đầu năm 2017, huyện Thạch Thất triển khai dự án hỗ trợ làm giao thông ngõ xóm trên cơ sở đường cũ. Nếu nhân dân đồng thuận hiến đất, mở rộng đến đâu, huyện sẽ hỗ trợ đổ bê tông đến đó (nhưng không có kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng). 

Thôn Phú Đa 2 tổ chức họp bàn, xóm Trại tiên phong làm trước. Cả xóm có 140 hộ, trong đó 28 hộ giáp mặt đường và đã có 25 hộ đồng ý hiến 250m2 đất. Còn với đường ngoài đồng, đến nay đã có 6/7 hộ đồng ý hiến với diện tích khoảng 200m2.

Mong được "tiếp sức"...

Để tìm tiếng nói chung, xóm Trại, đã tổ chức họp dân, bàn kế hoạch chi tiết. Ngay tối họp đầu tiên đã có 5 hộ xung phong hiến đất; họp lần 2 xóm đã bầu Ban khảo sát, vận động và Ban thi công xây dựng đường. Với tinh thần, hộ có đất thì hiến, không có đất thì góp tiền và ngày công xây dựng hoàn trả công trình cho các hộ đã hiến đất phải tháo dỡ nhà, tường bao. Quan điểm này được nhân dân đồng thuận. Qua dự trù kinh phí, nhân dân nhất trí đóng góp 300.000 đồng/khẩu, ai có thì ủng hộ thêm. Kết quả xóm Trại đã thu được 200 triệu đồng.

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện, Bí thư Chi bộ thôn Phú Đa 2 Tạ Văn Tâm cho hay: "Nói thì đơn giản, nhưng quá trình triển khai vận động nhân dân cũng không hẳn được ngay. Có những trường hợp chúng tôi phải đến vận động nhiều lần”... 

Bên cạnh đó, số tiền huy động đóng góp trong nhân dân để hỗ trợ xây, sửa lại công trình cho các gia đình hiến đất còn ít. Ở quê, các ngôi nhà thường “quay lưng” ra, nếu mở đường phải cắt một phần công trình, khi ấy số tiền hỗ trợ xây sửa lại nhà rất lớn. Chưa kể, nhiều hộ đất thổ cư chật chội, chỉ chừng dăm chục mét vuông, nếu mở đường thì diện tích còn lại rất nhỏ… Vì thế, dù là việc làm tự nguyện của nhân dân, nhưng xóm Trại rất mong được các cấp chính quyền “tiếp sức” và hỗ trợ những trường hợp cụ thể để bà con trong thôn xây dựng nông thôn mới.
Theo: Nguyễn Mai/hanoimoi.com.vn