Sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở Thạch Giám

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương đã trở thành xã đầu tiên ở ba huyện nghèo thuộc diện 30a của tỉnh Nghệ An cán đích nông thôn mới (NTM).
Mô hình trồng rau sạch được nhân rộng tại xã Thạch Giám.

Là một xã thuộc huyện vùng cao, xuất phát điểm xây dựng NTM ban đầu chỉ đạt sáu tiêu chí, nhiều khó khăn thiếu thốn. Ðể thoát nghèo bền vững, Ðảng bộ Thạch Giám xác định hướng phát triển kinh tế dựa vào lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với chủ trương đó, thời gian qua, cán bộ địa phương đã không ngừng phát động bà con ở các bản: Mác, Lau, Mon, Chắn, Nhẵn... ưu tiên trồng các loại cây lâm nghiệp chủ lực mang lại kinh tế cao như: xoan, mét... Một mặt phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mặt khác có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều hộ nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi đã xuất hiện, điển hình như gia đình ông Vi Văn Hoàng, bản Mác trồng hàng nghìn gốc mét, gia đình ông Vang Văn Lương, bản Cây Me đã trồng được 10 nghìn cây xoan đến tuổi thu hoạch, ước tính giá trị lên đến hàng tỷ đồng...

Bản Chắn bắt đầu triển khai trồng chuối tiêu hồng từ năm 2013 với diện tích vỏn vẹn chỉ một ha, chỉ sau hai năm đã nhân rộng mô hình lên hơn bốn ha và thu hút hàng chục gia đình tham gia. Chi phí trang trải vừa phải, công không quá vất vả nhưng thu nhập ổn định so với trồng lúa, bình quân mỗi hộ lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Tại bản Phòng và bản Nhẵn, được sự chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương, người dân đã tận dụng triệt để diện tích đất bằng ven sông, khe suối để xây dựng mô hình trồng rau sạch: cải, cải bắp, su hào, cà chua múi, cà ngọt... tăng thêm thu nhập. Để mô hình đạt hiệu quả cao, huyện Tương Dương cử cán bộ xuống tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cung cấp giống cho người dân gieo trồng. Nhờ đó, bình quân mỗi năm các hộ thu về hơn 10 triệu đồng, thậm chí có nhiều nhà lãi gấp hai lần.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương Lô Khăm Kha đánh giá: Việc áp dụng thành công các mô hình, các chương trình chính sách vào thực tế là tiền đề tạo nên bước đột phá trong xây dựng NTM ở Thạch Giám. Trong quá trình xây dựng NTM, khó khăn của Thạch Giám là chưa có xã nào thuộc ba huyện nghèo của tỉnh đạt chuẩn NTM để đến tìm hiểu học tập kinh nghiệm. Do đó, địa phương chọn những tiêu chí dễ làm trước, vừa làm, vừa tìm tòi, học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm thực tế; từ đó nhận thấy yếu tố quan trọng là sự đoàn kết, đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân. Khi địa phương phát động phong trào xây dựng NTM, ban đầu người dân còn mơ hồ, coi đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Nhưng khi địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, thì bà con hiểu rõ xây dựng NTM trước hết là mình được hưởng lợi, nên mỗi người dân đều phải có trách nhiệm. Khi người dân đã hiểu, đồng thuận thì trong quá trình thực hiện, địa phương gặp rất nhiều thuận lợi, nhất là trong làm đường giao thông nông thôn; bà con sẵn sàng đóng góp tiền mua cát, sỏi, bỏ ngày công làm đường, tự nguyện chặt cây, tháo dỡ hàng rào, hiến đất mở rộng nền đường...

Đến nay, Thạch Giám có 11 km đường liên xã, thì 100% chiều dài đã được thảm nhựa hóa, mặt đường rộng 12m, rải nhựa rộng 6,5 m; từ thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn bộ 15,61 km đường thôn bản, liên bản và 85% hệ thống đường ngõ bản được đổ bê-tông theo chuẩn NTM... Bí thư Chi bộ bản Chắn Vi Văn Líp chia sẻ: Phong trào xây dựng NTM được bà con hưởng ứng mạnh mẽ từ ngày địa phương bắt tay vào xây dựng NTM. Vì thế, phần lớn đường giao thông của bản phần lớn đã được đổ bê-tông, nhà cộng đồng của bản được đầu tư xây dựng khá kiên cố, khuôn viên bảo đảm, có cả khu vui chơi, thể dục - thể thao. Phong trào xóa đói, giảm nghèo cũng được các gia đình hưởng ứng tích cực, đến nay bản chỉ còn 9 hộ nghèo trong tổng số 110 hộ. Bởi vậy, bản Chắn được đánh giá là bản điển hình xây dựng NTM của xã...

Chủ tịch UBND xã Thạch Giám Mạc Văn Nguyên cho biết: Quá trình xây dựng NTM của địa phương luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, nhất là trong đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm khởi sắc bộ mặt nông thôn miền núi, cải thiện mọi mặt đời sống người dân. Trong 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Thạch Giám đã huy động được gần 62 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng các tiêu chí tại địa phương. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần ba tỷ đồng, ngân sách huyện gần 16 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp huy động được gần 13 tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 17 tỷ đồng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân xã Thạch Giám luôn đoàn kết nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng. Từ buổi xuất phát ban đầu thấp, đến nay xã đã đạt tất cả 19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí về hạ tầng kinh tế như: giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi khác đã sử dụng và khai thác có hiệu quả. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập đầu người hiện đạt hơn 19 triệu đồng/năm; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững; Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể luôn đạt trong sạch, vững mạnh, hoạt động có chiều sâu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng nói: Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đánh giá cao tinh thần nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạch Giám đã có quyết tâm phấn đấu cao để đưa đơn vị 30a đầu tiên của ba huyện nghèo tỉnh Nghệ An cán đích NTM. Mong rằng thời gian tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạch Giám tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Chú trọng đề cao hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Tập trung chỉ đạo hỗ trợ tạo điều kiện khuyến khích các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân, xứng đáng là mô hình cho các địa phương thuộc ba huyện nghèo của tỉnh Nghệ An học hỏi kinh nghiệm.

Theo Ngân Phạm/nhandan.org.vn