Sức sống của một Nghị quyết

Sức sống của một Nghị quyết
Sau hơn 2 năm triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Quảng Ninh đã trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn, khơi dậy nguồn lực và sức mạnh tổng hợp trong nhân dân làm cho diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày một "thay da đổi thịt".

 
 
 

Du lịch trải nghiệm của du khách nước ngoài đến với
xã Yên Đức, huyện Đông Triều, Quảng Ninh. (Ảnh minh họ
a)

Nghị quyết số 01-NQ/TU, Nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2011-2015 là triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM. Một trong những quan điểm chính mà Nghị quyết đã khẳng định: "Chủ thể chính XDNTM là nông hộ; XDNTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ", trong đó người dân phải được "tham gia ngay từ đầu". Song, trên thực tế với mặt bằng dân trí và khả năng hiểu biết về quy hoạch tổng thể của người dân cũng như tư tưởng ỷ lại còn cố hữu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là người dân tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, không phải ai cũng có thể "tham gia ngay từ đầu" một cách hiệu quả. Do đó, việc đưa nghị quyết vào cuộc sống đã trở thành một vấn đề thực sự nan giải trong những ngày đầu thực hiện XDNTM…

Sắp cán đích trước hẹn

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện, chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với toàn quốc như: có 100% số xã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM, 100% số xã lập xong đề án cấp xã, 100% các huyện lập xong đề án và xây dựng được kế hoạch 5 năm XDNTM… Một trong những điểm nổi bật chính là chương trình XDNTM tại Quảng Ninh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Doanh nghiệp, người dân đã đóng góp hơn 12,7 tỷ đồng chung sức XDNTM; các hộ dân tự nguyện tham gia hiến 211.868m2 đất để xây dựng nhà văn hóa và các công trình hạ tầng khu vực nông thôn…

Đến nay, các địa phương đã phân bổ hàng trăm tỷ đồng triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và phát triển sản xuất. Dựa trên tiềm năng vốn có, mỗi địa phương đều xác định rõ danh mục mô hình, dự án tổ chức triển khai theo hướng tập trung trên cơ sở liên kết 4 nhà, trong đó doanh nghiệp là đầu tàu, nhà nông là vệ tinh tham gia một công đoạn trong khâu sản xuất, nhà khoa học cung cấp các ứng dụng mới, nhà nước tạo điều kiện bằng các cơ chế, chính sách thu hút.

Tới thời điểm này, Quảng Ninh có 8 xã đạt 19 tiêu chí NTM, chiếm ¼ cả nước (34 xã). Đây là những kết quả hết sức đáng trân trọng, đưa Quảng Ninh trở thành 1 trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong phong trào XDNTM.

Chung sức, chung lòng

Đánh giá về những kết quả mà Quảng Ninh đã đạt được trong việc thực hiện chương trình XDNTM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng BCĐ chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM Nguyễn Đăng Khoa khẳng định: những kết quả tiêu biểu mà Quảng Ninh có được là nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, là ý thức, trách nhiệm và tấm lòng cao cả, nêu gương, dấn thân của các nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân chính là những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công trong sự nghiệp XDNTM tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian "cán đích" không còn xa và để chương trình XDNTM của tỉnh đạt hiệu quả cao, trở thành phong trào chính trị, xã hội sâu rộng, phát huy được sức mạnh tổng hợp, tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh, trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI của Đảng về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" và Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM của Chính phủ, kiên trì thực hiện các mục tiêu về XDNTM mà Nghị quyết 01/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh về XDNTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đã đề ra: Đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản đạt tiêu chí tỉnh NTM.

Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục quán triệt thực hiện tốt phương châm "Người dân làm, Nhà nước hỗ trợ"; tập trung phát triển sản xuất đi theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp, thủ công nghiệp tập trung có thương hiệu theo Chương trình xây dựng thương hiệu nông sản và Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh tiếp tục tập trung tổ chức tốt các phong trào thi đua trong XDNTM hưởng ứng phong trào cả nước chung sức XDNTM do Thủ tướng Chính phủ phát động; triển khai XDNTM theo hướng phát triển bền vững gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh; tranh thủ sự hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia XDNTM thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

Trên thực tế, điều kiện canh tác ở Quảng Ninh rất khó khăn, diện tích ruộng đất manh mún, bậc thang, khó cơ giới hóa và thủy lợi hóa, khó đầu tư tập trung; nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biển đảo còn mang nặng tập quán sản xuất nhỏ, chủ yếu tự cung tự cấp. Thật khó có thể tin việc thực hiện chương trình XDNTM tại Quảng Ninh thành công trước cả nước 5 năm sẽ trở thành hiện thực. Thế nhưng, với kết quả từ bài học của sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, Quảng Ninh đã và đang biến điều "khó có thể" đó thành hiện thực bằng chính những thành tựu về mọi mặt trên chặng đường xây dựng và hoàn thiện NTM - bệ phóng cho Quảng Ninh cất cánh, góp sức cùng với cả nước hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Nguyễn Văn Điệp

Theo  tgvn.com.vn