Sức sống mới ở xã đảo Thạnh An

Sức sống mới ở xã đảo Thạnh An
Từ một xã nghèo, cách trở, nay Thạnh An đã có dịch vụ nhà nghỉ kiểu homestay. Hiện cả xã có 10 nhà nghỉ, trong đó có 4 nhà nghỉ có máy lạnh, giá phòng từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày cho 4 - 5 khách.

Vật liệu xây dựng được chuyển ra Thạnh An để đáp ứng nhu cầu xây dựng mới

Vật liệu xây dựng được chuyển ra Thạnh An để đáp ứng nhu cầu xây dựng mới

Chị Xuân (ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) cùng chồng là tài công đưa chúng tôi đi đò máy từ thị trấn Cần Thạnh ra xã đảo Thạnh An. Chị vui vẻ cho biết: “Đò chủ yếu đưa khách từ ấp Thiềng Liềng qua Thạnh An, cuối tuần chở thêm khách “phượt” từ Cần Thạnh sang. Từ ngày đảo có điện đến nay, khách du lịch ra đông lắm, có tuần cả ngàn người”.
“Phượt” về xã đảo
Đưa đò khách ngày thường, trừ tiền dầu, chi phí ăn uống, vợ chồng chị Xuân kiếm chừng 200.000 đồng/ngày. Chở khách “phượt” thì khá hơn, do khách bao cả đò, chừng chục người, đi lòng vòng đảo, câu cá, ăn uống. Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, hân hoan cho chúng tôi biết: “Trung bình mỗi tuần có khoảng 600 - 700 khách đến Thạnh An, riêng những ngày lễ, khách lên đến cả ngàn người. Đa số là giới trẻ, đến ngắm cảnh bình minh ở Kè Đá, đi câu, đi ăn hải sản”. 
Từ một xã nghèo, cách trở, nay Thạnh An đã có dịch vụ nhà nghỉ kiểu homestay. Hiện cả xã có 10 nhà nghỉ, trong đó có 4 nhà nghỉ có máy lạnh, giá phòng từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày cho 4 - 5 khách. Phòng quạt thì giá mềm hơn. Du khách ra Thạnh An thường vui vẻ nhận xét rằng hiếu khách là “đặc sản” của xã, do các nhà nghỉ đều rất ân cần đón khách, khách có thể yêu cầu chủ nhà đi chợ, mua hải sản và nấu nướng tại chỗ theo yêu cầu. Để hoạt động dịch vụ du lịch đi vào nề nếp, xã đã kết hợp với huyện tổ chức 2 đợt tập huấn về du lịch cộng đồng. Nghề này đang được nhiều hộ ở Thạnh An quan tâm đầu tư. Hộ ông Đặng Thanh Hiền (ở ấp Thạnh Hòa) vốn là hộ nghèo, nay vay vốn làm được vài phòng cho thuê. Rồi hộ ông Huỳnh Trí Hiếu đang xin phép để làm nhà bè phục vụ hải sản cho du khách, như cách làm bên Long Sơn (Vũng Tàu).  
Câu chuyện về hộ chị Đặng Thanh Nguyệt tập làm muối tôm được nhiều người ở xã rành rẽ. Chị Nguyệt kể: “Tây Ninh không có biển mà còn nổi tiếng với sản phẩm muối tôm. Do vậy, tôi nghĩ mình ở đây muối mênh mông, lẽ nào không làm được. Muối thì bên Thiềng Liềng, ruốc thì sẵn rồi, chỉ cần học thêm cách chế biến”. Từ cách làm gia đình nhỏ lẻ, tháng 7-2016, chị Nguyệt được Chi cục Phát triển nông thôn tặng máy xay - sấy muối, ngân hàng cho vay thêm 40 triệu đồng để làm sản phẩm “muối tôm Chị Nguyệt”. Nay sản phẩm này đã thành mặt hàng được khách du lịch ưa chuộng. Một sản phẩm khác ở Thạnh An cũng đã tạo dựng được thương hiệu và hiện đang đắt hàng, là mắm tôm chua. Một hộ đã đăng ký nhãn hiệu mắm tôm chua Yến Phượng đàng hoàng, chỉ bán cho khách du lịch đến Thạnh An. 
Chân dung nông thôn mới 
Tính đến nay, vừa tròn 2 năm xã đảo Thạnh An được hòa vào lưới điện quốc gia bằng cách kéo cáp ngầm vượt biển. Điện không chỉ thay cho ánh đèn dầu tù mù hàng trăm năm qua, mà đang từng bước đưa xã ra khỏi cảnh nghèo đeo đẳng. Ông Đặng Văn Cư, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Duyên Hải, cho biết: “Từ ngày có điện lưới quốc gia, nhu cầu tiêu thụ điện ở Thạnh An tăng khoảng 40% so với hồi còn sử dụng trạm điện chạy diesel. Dự báo, cuối năm sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng gấp đôi”. Ngoài việc cung ứng cho nhu cầu chiếu sáng và sinh hoạt, điện còn phục vụ dịch vụ du lịch, làm nước đá cung cấp cho ghe tàu, sản xuất muối, nuôi tôm… 
Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An Đặng Hoàng Sơn cho hay: “Bên ấp Thiềng Liềng bây giờ đã xuất hiện vài đại gia nuôi tôm, sắp tới sẽ có thêm nhiều người tiếp tục đầu tư. Để thoát nghèo, xã đang vận động các hộ tính toán vay vốn sửa sang nhà tham gia làm du lịch cộng đồng. Những hộ đánh bắt hải sản không hiệu quả thì chuyển sang làm dịch vụ đưa đón khách du lịch. Ở xã Thạnh An hiện có 300 hộ nuôi hàu với diện tích 30ha. Xã cũng đang khuyến khích dân trong năm 2018 mở rộng diện tích nuôi hàu lên gấp đôi”. Ông Nguyễn Công Trường (ở ấp Thạnh Hòa) ban đầu nuôi hàu trên diện tích 50m2, nay đã phát triển lên 3 điểm nuôi với tổng diện tích mặt nước đến 8.000m2, khẳng định: “Gia đình tôi sống ổn định nhờ nghề này!”. 
Trở lại xã đảo Thạnh An lần này, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều đổi thay, phát triển. Nay xã đã có một phân hiệu THPT đang hoạt động với 28 học sinh. Một trường THCS cũng đang được xây dựng, sẽ hoạt động vào tháng 9 tới. Nhờ vậy mà các em học sinh không phải ngày ngày chờ đò sang thị trấn Cần Thạnh đi học như trước. Những dự án dài hơi cũng đang được chuẩn bị, như nhà máy xử lý rác thải, bồn chứa nước 3.000m3, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, nâng cấp đê bao đồng muối Thiềng Liềng, nâng cấp đường nội xã và hệ thống thoát nước… Trả lời câu hỏi của chúng tôi về số hộ nghèo hiện nay, ông Sơn cho biết: “Hiện xã còn 254 hộ nghèo, tương đương 20,78% số hộ. Để cải thiện đời sống nhân dân, trước mắt, xã vẫn tập trung phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, nuôi hàu, nuôi tôm…, qua đó phấn đấu kéo giảm số hộ nghèo chỉ còn 12% vào năm 2018”.
 
Theo: Thư Lê/sggp.org.vn