Sức vươn của một phong trào

“Xã, phường, thị trấn tiên tiến” là phong trào riêng có của tỉnh Quảng Ninh. Phong trào này được triển khai từ năm 2001, đã tạo được sự đồng thuận, gắn bó, tin tưởng trong nhân dân và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Năm 2012, phong trào được đổi thành phong trào thi đua xây dựng “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá”. Đây là sự đổi mới phù hợp với công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh hiện nay.
Nhân dân thôn 8, xã Hải Tiến (TP Móng Cái) bê tông hoá đường thôn. Ảnh: Ngọc Hà

Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Năm 2012 là năm toàn tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các nội dung về “Xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh”, “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn toàn tỉnh.

Sáng 16-4, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tuyên dương “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá” năm 2012 và tuyên dương xã điển hình tiên tiến trong phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2008-2013. Những kết quả ban đầu mà các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt được trong phong trào này đã khẳng định tính đúng đắn và sức sống của phong trào ý nghĩa này.

Theo đó, phong trào đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các xã, phường và thị trấn đã có nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả như vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngày càng có chiều sâu và mang tính thiết thực, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, khâu yếu, việc khó, nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, những vấn đề nhân dân quan tâm, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh riêng có của mỗi địa phương. Từ đó, người dân đã tích cực đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như, xã Đức Chính (huyện Đông Triều)  đã động viên nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao và áp dụng KHKT vào sản xuất để tăng thu nhập và thay đổi hình thức sản xuất cũ. HTX dịch vụ nông nghiệp của xã đã xây dựng được 34ha cánh đồng lúa có thu nhập trị giá 80 triệu đồng/ha/năm. Các hộ dân trong xã đã xây dựng và thực hiện thành công mô hình nuôi gà Jabaco, cá rô phi đơn tính với tổng số 40 hộ tham gia và doanh thu của các mô hình đạt trên 854 triệu đồng. Hiệu quả mang lại từ phong trào đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong xã, thu nhập bình quân của người dân xã Đức Chính năm 2012 đạt gần 31 triệu đồng/người/năm, tăng 115% so với năm 2011. Xã Hiệp Hoà (TX Quảng Yên) đã huy động nhân dân đóng góp ngày công nạo vét trên 3.000m kênh mương, khơi thông dòng chảy, duy trì 9 tổ thu gom rác thải trên địa bàn xã hoạt động có nền nếp. Cả hệ thống chính trị của xã đã chủ động vào cuộc tập trung vận động nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường thôn xóm, không để rác thải ứ đọng lâu ngày, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, vận động gần 60 hộ gia đình xây bể bioga xử lý chất thải trong chăn nuôi, nâng tổng số hộ gia đình sử dụng bể bioga trong chăn nuôi, chế biến lên 258 hộ, hạn chế được chất thải trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường khu dân cư...

Cán bộ xã, huyện thăm mô hình trồng mía tím của nông dân xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà. Ảnh: Ngọc Hà
Cán bộ xã, huyện thăm mô hình trồng mía tím của nông dân xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà. Ảnh: Ngọc Hà

Góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân

Phong trào thi đua xây dựng “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá” được lồng ghép có hiệu quả với các cuộc vận động và nhiều phong trào thi đua yêu nước từ cơ sở, từ hộ gia đình, thôn xóm... đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Phong trào thực sự là điểm nổi bật riêng có của tỉnh Quảng Ninh trong việc hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 65 năm qua, là động lực phấn đấu thi đua của mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Qua 13 năm phát động, phong trào ngày càng được cụ thể hoá ở cơ sở; là điều kiện thuận lợi cho việc tập hợp và hưởng ứng các phong trào thi đua mang tính quần chúng sâu sắc. Phong trào đã khơi dậy và cổ vũ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho việc phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Từ các nội dung của phong trào thi đua, nhiều địa phương đã xây dựng, lồng ghép phong trào thi đua một cách cụ thể thiết thực, hiệu quả như: xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, huy động sức mạnh của toàn dân, kết hợp các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, nhà sinh hoạt cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội nhằm cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội để mỗi xã thực sự là xã nông thôn mới, mỗi phường, thị trấn thực sự là đô thị văn minh.

Trao đổi với chúng tôi về phong trào này, ông Phạm Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh cho biết: Với nhiều nội dung thi đua sát thực với cơ sở, phong trào đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức trên các mặt của đời sống xã hội đến từng hộ gia đình và mỗi cộng đồng dân cư, làm cho môi trường xã hội thêm lành mạnh. Phong trào đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, sự phối hợp của các đoàn thể trong hệ thống chính trị và sự đồng tình hưởng ứng thực hiện của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh làm cho phong trào tiếp tục được duy trì tốt hơn, phong phú và chất lượng cao hơn.

Lê Hải
theo baoquangninh

,
.