TP.HCM: Mỗi năm 3.413 hộ dân, doanh nghiệp vay vốn làm nông nghiệp

Mỗi năm có 3.413 hộ dân, doanh nghiệp có phương án được phê duyệt hỗ trợ lãi vay, vốn đầu tư bình quân/năm đạt 1.550 tỷ đồng; vốn vay có hỗ trợ lãi vay đạt 949 tỷ đồng/năm.

Ngày 27/12, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chính sách khuyến khích doanh nghiệp theo Nghị định 210 của Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết thành phố đã triển khai nhiều chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mỗi năm có 3.413 hộ dân, doanh nghiệp có phương án được phê duyệt hỗ trợ lãi vay, vốn đầu tư bình quân/năm đạt 1.550 tỷ đồng; vốn vay có hỗ trợ lãi vay đạt 949 tỷ đồng/năm.

Ảnh minh họa

Theo đó, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011-2016, các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã phê duyệt 6.530 quyết định cho vay vốn với 20.480 lượt vay, tổng vốn đầu tư 9.302.961 triệu đồng. Tổng vốn vay 5.696.327 triệu đồng, trong đó hai huyện Cần Giờ và Củ Chi có số vốn vay nhiều nhất, lần lượt là 2.307.669 triệu đồng và 1.442.457 triệu đồng.

Thành phố đã ưu đãi cho nhà đầu tư về đất đai như: miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của nhà nước; hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản…

Để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định của Chính phủ, thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trình UBND TP.HCM phê duyệt, đẩy nhanh tốc độ kêu gọi nhà đầu tư theo đúng quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Kết quả ước tính hiệu quả về mặt kinh tế xã hội lũy tiến từ ngày 10/6/2011 đến nay, tổng số lao động (việc làm) tạo ra thông qua các phương án, sản xuất được hỗ trợ lãi vay khoảng 49.869 lao động, trong đó có 5.861 lao động là đối tượng hộ nghèo. Tỷ suất tổng giá trị sản xuất 13.137.596 triệu đồng trên tổng vốn đầu tư.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM để hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần đảm bảo các tiêu chí về quy mô, công suất…. Tuy nhiên, đây là yêu cầu thực sự khó khăn. Đơn cử như để được hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải yêu cầu công suất giết mổ một ngày đêm của mỗi dự án đạt tối thiểu 400 con gia súc hoặc 4.000 con gia cầm…; cơ sở chăn nuôi gia súc phải có quy mô thường xuyên tập trung từ 1.000 con trở lên đối với lợn thịt… Điều này thực sự khó khăn khi lập dự án đầu tư vì TP.HCM không thể có những quỹ đất đủ lớn để kêu gọi đầu tư đúng với quy mô và công suất theo yêu cầu của Nghị định.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên xem xét lại quy mô, công suất của dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với từng địa phương, từ đó có thể thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án.