TP.HCM: Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo
- Thứ ba - 03/03/2020 03:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đề án đặt ra mục tiêu phát triển chăn nuôi heo theo hướng giảm tỷ lệ đàn heo thịt, tăng tỷ lệ đàn heo giống, hình thành nhiều trại giống hạt nhân để cung cấp con giống có chất lượng cao cho người chăn nuôi; Tiếp tục duy trì TP HCM là trung tâm cung cấp con giống cho cả nước; Chuyển chăn nuôi heo nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, công nghiệp có kiểm soát; Ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP.
Ngoài ra, nhằm chuyển dịch liên kết trong sản xuất và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với các mô hình kinh tế tập thể, phát triển tổ chức sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, giảm khâu trung gian, giảm chi phí giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế,…
Sở NN- PTNT TP HCM là cơ quan thường trực chủ trì triển khai thực hiện đề án, yêu cầu đảm bảo thiết thực, hiệu quả theo đúng quy định; Tổng hợp, tham mưu, đề xuất Thường trực UBND TP chỉ đạo các Sở ngành, quận huyện liên quan triển khai thực hiện và kịp thời đề xuất giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo Đề án được phê duyệt, đến cuối năm 2021, TP HCM giảm nhanh các hộ chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, nhất là các hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa. Ổn định đàn heo khoảng 200.000 con, trong đó đàn nái sinh sản chiếm 16% tổng đàn chủ yếu tập trung chăn nuôi tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè. Riêng Quận 2, 7, 9 và Bình Tân không còn chăn nuôi heo.
Đồng thời, quy mô chăn nuôi bình quân 75 - 100 con/hộ; Tỷ lệ hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP đạt trên 60 - 80%; Phấn đấu 90 - 100% các hộ chăn nuôi thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cơ bản hình thành hệ thống tháp giống toàn TP, với đàn giống cụ kỵ 1.673 con. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giống. Trên 50% các cơ sở sản xuất giống heo trên địa bàn TP được chứng nhận con giống theo các tiêu chuẩn hiện hành.
Cùng với đó, hoàn thiện bản đồ số hóa quản lý đàn heo và dịch bệnh trên địa bàn TP HCM; thống nhất hệ thống quản lý giống heo từ cơ sở sản xuất giống đến cơ quan quản lý nhà nước. Duy trì 8 xã thuộc huyện Củ Chi và 1 xã thuộc huyện Hóc Môn an toàn với bệnh lở mồm long móng trên heo. Phấn đấu trên 10% hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi liên kết ngành hàng thịt heo.
Đến cuối năm 2025, duy trì tổng đàn heo là 200.000 con; trong đó đàn nái sinh sản chiếm khoảng 20% tổng đàn, tổng đàn giống cụ kỵ đạt 2.750 con trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè; các quận còn lại không còn chăn nuôi heo. Quy mô chăn nuôi bình quân đạt 200 con/hộ; tỷ lệ chăn nuôi heo được chứng nhận VietGAP đạt trên 90 - 95%, phấn đấu 100% các hộ chăn nuôi thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, phấn đấu 100% các cơ sở giống được quản lý dữ liệu; trên 90% các cơ sở sản xuất giống heo trên địa bàn TP được chứng nhận con giống theo các tiêu chuẩn hiện hành, 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được chứng nhận con giống thuần.
100% các hộ chăn nuôi tập trung theo phương thức chăn nuôi quy mô công nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao đồng bộ, đảm bảo an toàn sinh học, quy trình VietGAP trở lên. Phấn đấu trên 20% hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi liên kết ngành hàng thịt heo.
Theo: Minh Hiếu/nongnghiep.vn