TP HCM điều chỉnh nhiều tiêu chí NTM
- Thứ năm - 10/07/2014 21:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo đó, 11 tiêu chí vẫn thực hiện y như trong các Quyết định số 491/QĐ-TTg và Quyết định số 342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Quy hoạch; điện; chợ nông thôn; bưu điện, nhà ở dân cư; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; hình thức tổ chức SX; y tế; môi trường; hệ thống tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh; an ninh, trật tự xã hội.
Ba tiêu chí là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa, được TP điều chỉnh đôi chút để phù hợp với điều kiện cũng như yêu cầu đẩy nhanh xây dựng NTM ở vùng nông thôn TP.
5 tiêu chí gồm: Thủy lợi, trường học, thu nhập, hộ nghèo và giáo dục, được điều chỉnh theo đặc thù vùng nông thôn TP. HCM (nông thôn vùng ven đô thị đặc biệt).
Cụ thể, về tiêu chí 3 - Thủy lợi, TP chỉ giữ lại chỉ tiêu 3.1 - hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu SX và dân sinh; bỏ chỉ tiêu 3.2 (tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa - miền Đông Nam bộ: 85%), do đặc thù TP có nhiều vùng sinh thái khác nhau như các xã khu vực phía Nam (huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh) nhiều kênh rạch chằng chịt nên việc bê tông hóa là không khả thi. Vì thế, chỉ thực hiện kiên cố hóa cống bọng.
Đặc biệt, về tiêu chí 10 - Thu nhập, theo quy định trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nếu xã đạt tiêu chí này thì mức thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn, chia theo khu vực Đông Nam Bộ, đến năm 2015 phải đạt 34 triệu đồng/người/năm; đến năm 2020 phải đạt 58 triệu đồng/người/năm.
Nhưng riêng ở TP. HCM, thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng khu vực nông thôn năm 2010 đã là 1,93 triệu đồng (tương đương 23,17 triệu đồng/người/năm). Dự kiến trong giai đoạn 2011-2020 tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân người dân nông thôn dao động trong khoảng từ 10% đến 15%/năm.
Như vậy, thu nhập bình quân nhân khẩu/tháng khu vực nông thôn TP năm 2015 sẽ dao động trong khoảng 3,1 - 3,88 triệu đồng (tương đương 37,2 đến 46,56 triệu đồng/người/năm), năm 2020 là 5 đến 7,8 triệu đồng (tương đương 60 đến 93,6 triệu đồng/người/năm), cao hơn so với mức điều chỉnh tiêu chí số 10 về Thu nhập của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Nếu chỉ căn cứ theo chỉ tiêu này, sẽ không kích thích sự phấn đấu, đẩy mạnh phát triển SX của các xã. Mặt khác, vẫn phải có một chỉ tiêu tuyệt đối tối thiểu, để cùng căn cứ, so sánh.
Vì thế, TP. HCM điều chỉnh tiêu chí này như sau: Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của xã trước khi thực hiện đề án: từ 1,5 - 1,8 lần (so với khi xây dựng đề án NTM); nhưng đến năm 2015 không thấp hơn 37 triệu đồng/người/năm; đến năm 2020 không thấp hơn 60 triệu đ/người/năm.
Về tiêu chí 11 - Hộ nghèo, do TP.HCM đang triển khai chương trình giảm nghèo giai đoạn 4 chuẩn nghèo mới 2014-2015 sẽ là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, nên TP điều chỉnh tiêu chí này như sau: tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% theo tiêu chí thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống (quy định của Trung ương với vùng Đông Nam Bộ là 4,8 triệu đồng/người/năm trở xuống).
Tiêu chí 5 - Trường học, do đặc thù tại TP dân số đông, số lượng học sinh lớn, tại mỗi xã có nhiều trường (trong mỗi cấp), vì thế được điều chỉnh như sau: Ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất ở cấp Mầm non đạt chuẩn quốc gia; cấp Tiểu học, Trung học cơ sở (mỗi cấp 1 trường/xã) đạt chuẩn quốc gia; các trường còn lại chỉ nâng cấp phục vụ tốt hơn (quy hoạch dự kiến diện tích đất cần có để xây dựng trường đạt chuẩn).
Về tiêu chí 14 - Giáo dục, TP. HCM cũng có những điều chỉnh đáng chú ý so với Bộ tiêu chí của Trung ương. Chẳng hạn, ở chỉ tiêu 14.2 - Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề), với cả nước là 85%, Đông Nam Bộ là 90%, TP. HCM điều chỉnh lên 95%.
Tiêu chuẩn 14.3 - Tỷ lệ lao động qua đào tạo, Trung ương quy định cho Đông Nam Bộ là trên 40%. TP. HCM điều chỉnh chỉ tiêu này theo hướng các đề án của các xã xây dựng NTM phải thực hiện theo tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 70%, trong đó có 40% là lao động nữ…