TP.Hồ Chí Minh: Bước tiến dài trong xây dựng nông thôn mới

“Qua 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), TP.HCM đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Điều này góp phần thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên”. Đó là những đánh giá của ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM tại hội nghị Sơ kết Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2014 được thành phố tổ chức ngày 2-3.
Lãnh đạo TP.HCM trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Nhiều xã đã về đích sớm

Ông Lê Thanh Hải cho biết, hiện đã có 27 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí; tính chung tại 56 xã xây dựng NTM, bình quân số tiêu chí đạt được là 17 tiêu chí. Chỉ có 1 xã thấp nhất đạt 13 tiêu chí; huyện Củ chi đạt 18 tiêu chí, huyện Hóc Môn đạt 17 tiêu chí, huyện Bình Chánh đạt 16 tiêu chí, riêng các xã tại huyện Nhà Bè đã hoàn thành 19 mục tiêu.

Hạ tầng được tập trung đầu tư, bộ mặt nông thôn thực sự khởi sắc; nâng cấp và xây mới trên 1.100 công trình giao thông nông thôn, chiều dài gần 800km. Các điểm NTM đã xây, nạo vét và gia cố hơn 320 công trình thủy lợi, chiều dài 275km; xây, sửa chữa 133 công trình trường học đạt chuẩn. Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn tăng dần. Cụ thể, năm 2008 thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 1,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 55,4% so với khu vực thành thị thì đến năm 2014, đạt bình quân 3,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 80,1% so với khu vực thành thị. Bên cạnh đó, thành phố đã giúp xây dựng mới, xóa gần 2.800 căn nhà dột nát. Riêng trong năm 2014, đã giúp trên 22.000 hộ vượt nghèo, tăng thu nhập trên 16 triệu đồng/người/năm; đưa tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2014 từ gần 11% xuống còn gần 4%, giảm 6,85% trong năm 2014.

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM đánh giá, mục tiêu hoàn thành của 56/56 xã ở TP.HCM đang dần trở thành hiện thực, bởi toàn bộ các xã đã hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM, trong đó 52 xã được phê duyệt. Cơ cấu nông nghiệp được chuyển dịch từ các loại cây, con có giá trị thấp sang các loại có giá trị cao; thu nhập trung bình của người dân đạt 322 triệu đồng/ha, thuộc loại cao so với cả nước. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng được rút ngắn, môi trường sống của dân được cải thiện, người dân được tiếp cận các hoạt động văn hóa xã hội nhiều hơn.

Sự hài lòng của dân là thước đo kết quả

Theo ông Lê Thanh Hải, thời gian tới thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò phát triển nông nghiệp, đô thị; phát huy vai trò chủ thể của nông dân. “Xây dựng NTM là nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nông dân và dân cư nông thôn; lấy việc cải thiện nâng cao đời sống và sự hài lòng của nông dân là thước đo cho kết quả”, ông Hải khẳng định.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, trong thời gian tới TP.HCM cần xây dựng kế hoạch cụ thể hơn, nâng cao trách nhiệm đối với từng cá nhân, tập thể, tránh bệnh thành tích, chú ý đến chất lượng cuộc sống, chất lượng công trình; cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ chương trình NTM. Việc quy hoạch xây dựng NTM phải giữ được sắc thái nông thôn “xanh, sạch, đẹp”. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Củ Chi chia sẻ: “Để đạt được kết quả cao, chúng tôi thành lập Ban giám sát từ huyện xuống các ấp. Thành viên trong giám sát là những người uy tín, được nhân dân tín nhiệm, họ tiến hành giám sát, khi phát hiện những sai sót trong thi công, hay công trình không đảm bảo chất lượng, Ban giám sát sẽ báo về hoặc đề xuất với Ban quản lý công trình, Ban Chỉ đạo. Nhờ vậy, đã kịp thời điều chỉnh, sửa chữa kịp thời các công trình sai phạm, tạo được lòng tin trong nhân dân, thu hút dân tham gia giám sát”. Ông Phú đề nghị cần tăng cường giám sát, quản lý cộng đồng, đặc biệt trong xây dựng cơ sở hạ tầng.

Là địa phương có nhiều thành công trong công tác vận động người dân tham gia các cuộc vận động, đặc biệt là vận động người dân tham gia hiến đất xây dựng NTM, ông Lê Tuấn Tài -Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Hóc Môn cho biết, đã vận động hơn 600 hộ dân hiến hàng ngàn m2 đất, trị giá gần 400 tỷ đồng; người dân tham gia gần 10.000 ngày lao động. Kinh nghiệm của Hóc Môn là nêu gương cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên; khi vận động thực hiện một vấn đề gì, những người này thực hiện trước; tất cả phải minh bạch với tinh thần “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; từ đó có tác động tích cực đến nhận thức và thu hút được người dân tham gia.

Theo: .baomoi.com